Vụ nợ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Từ động thái của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank nói gì?
Theo đại diện ngân hàng Eximbank, ngân hàng đang cùng khách hàng trao đổi thẳn thắng trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ.
Liên quan đến sự việc nợ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ sau 11 năm, nguồn tin riêng của phóng viên Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo ngân hàng này là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Eximbank khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc trên cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng và ngân hàng.
Đồng thời, báo cáo, xử lý về vụ việc này. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu lãnh đạo Eximbank phản hồi vụ việc với báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.
Cùng thời điểm, phản hồi đến phóng viên Gia đình và Xã hội, một cán bộ truyền thông của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, sáng ngày19/03/2024, đại diện Eximbank đã gặp gỡ khách hàng P.H.A tại Hà Nội.
"Eximbank đã cùng khách hàng trao đổi thẳn thắng trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất", cán bộ Eximbank cho hay.
Theo đại diện Eximbank, trong thời gian qua, ngay khi có thông tin trên báo chí, Eximbank đã và đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy định, quy trình, hợp đồng, thoả thuận, trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ cũng như quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đảm bảo lợi ích hài hoà cho cả ngân hàng và khách hàng.
Để nguời dùng hiểu rõ hơn về tín dụng, trong thời gian tới, Eximbank sẽ tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông minh bạch, đầy đủ, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chủ thẻ cũng như các khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên về sự việc này, 2 lãnh đạo ngân hàng thương mại quốc doanh đều khẳng định, vụ việc là sự lãng quên vô lý, không có chuyện khoản nợ thẻ tín dụng bị bỏ quên. Trong khi quy trình nhắc nợ, theo dõi khoản vay, bộ phận chăm sóc khách hàng, chăm sóc thẻ visa của các ngân hàng tại Việt Nam đều làm việc và theo dõi khoản vay rất chặt chẽ.
Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo không áp dụng cách tính lãi chồng lãi khi cấp tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, với khoản vay 8,5 triệu đồng lên thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm là bất thường.
Ví dụ, nếu áp dụng mức lãi suất quá hạn thẻ khoảng 20%, tiền lãi phát sinh của các ngân hàng quốc doanh là 18,7 – 18,8 triệu đồng/11 năm (giả định lãi suất không thay đổi qua các thời kỳ). Như vậy, tiền gốc và lãi sau 11 năm mà khách hàng phải trả sẽ hơn 27 triệu đồng.
Nếu áp dụng cách tính lãi kép, khoản nợ gốc 8,5 triệu đồng ước tính chịu lãi suất thẻ 87%/năm, sau đó, lãi nhập gốc và tiếp tục bị tính thêm lãi suất này, sau 11 năm, dư nợ khách phải trả là khoảng 8,8 tỷ đồng.
"Việc dẫn đến dư nợ gốc như này, chỉ có thể là ngân hàng đã áp dụng lãi suất kép, thay vì tính lãi theo số nợ gốc chi tiêu ban đầu", người này cho hay.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin vụ nợ phát sinh gây sốc ở tỉnh Quảng Ninh khi một khách hàng mở thẻ tín dụng tại Eximbank (chi nhánh Quảng Ninh) tiêu dùng hết 8,5 triệu đồng và sau 11 năm phải trả lãi phát sinh 8,8 tỉ đồng.
Theo thông tin chia sẻ, năm 2012, anh P.H.A (trú TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) từng đến Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh nhờ 1 nhân viên (nam giới) làm thủ tục mở thẻ tín dụng nhưng chưa từng nhận thẻ mang tên mình.
Năm 2016, khi có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng thì mới phát hiện ra, bản thân có nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank. Khi anh P.H.A đã tới Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh để xác minh thì được ngân hàng này thông báo phải chịu trách nhiệm với chiếc thẻ tín dụng đã mở trước đó. Thấy vậy, anh P.H.A yêu cầu được xem lại hồ sơ mở thẻ tín dụng và sao kê chi tiết.
Theo bảng sao kê thẻ tín dụng mang tên anh P.H.A cho thấy, có việc giao dịch mua một chiếc điện thoại với giá hơn 9 triệu đồng. Đáng chú ý, chữ ký trong hồ sơ mở thẻ không giống chữ kỹ của anh P.H.A. Hơn nữa, trong sao kê ngân hàng, có 2 lần đã trả lãi trong vòng 2 tháng, việc này anh P.H.A khẳng định là không biết.
Cũng theo anh P.H.A, vì không muốn ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân nên anh đã thể hiện thiện chí khắc phục hậu quả số tiền nợ nhưng ngân hàng không đồng ý và yêu cầu phải trả cả gốc lẫn lãi mà thẻ tín dụng đó đã vay.
Từ năm 2016 đến nay, giữa anh và ngân hàng cũng đã gặp trực tiếp rất nhiều lần để giải quyết nhưng không có tiếng nói chung. Thậm chí phía ngân hàng yêu cầu về địa phương xin xác nhận một đơn nội dung không có khả năng chi trả nhưng anh không đồng ý với lý do nếu xin đơn đó thì đồng nghĩa với việc anh là người lừa đảo. Anh P.H.A cũng thắc mắc, tại sao hàng tháng ngân hàng không thông báo khoản nợ và nhắc nhở khách hàng về khoản vay, nợ xấu cần thanh toán?