Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã có tổng diện tích 37.487ha, nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh TT-Huế và Quảng Nam. Ảnh T.L Văn phòng điều hành hiện đóng tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Ảnh: T.L Theo kết quả điều tra nghiên cứu, cơ quan chức năng ghi nhận ở VQG Bạch Mã có 1.728 loài thuộc 54 bộ, 266 họ. Trong đó, có 70 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007, 52 loài có tên trong Danh lục IUCN năm 2016 và 15 loài đặc hữu. Ngoài ra, các nhà khoa học đã điều tra và phát hiện 14 loài mới cho khoa học ở VQG Bạch Mã và đặt tên theo địa danh nơi đây. Ông Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc VQG Bạch Mã, cho biết, thời gian qua, nhiều loài động vật quý hiếm được ghi nhận xuất hiện ở những khu vực rừng do đơn vị quản lý. Mới đây nhất, một cá thể lửng lợn được phát hiện tại khuôn viên Bưu điện Bạch Mã cũ, thuộc vị trí Km19 đoạn đường gần đỉnh núi Bạch Mã cao trên 1.000m so với mực nước biển. Trước đó, một cá thể lửng lợn khác cũng được nhân viên Vườn phát hiện trong rừng Bạch Mã, cách vị trí nêu trên khoảng 2km. Lửng lợn hay còn được gọi dưới một số tên khác chồn hoang, cúi, gấu lợn. Do nạn săn bắt trái phép dẫn đến suy giảm về số lượng, nên Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp lửng lợn vào thể loài sắp bị đe dọa trong Sách đỏ IUCN năm 2008. Ảnh T.L Trước đó, 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm cũng được một du khách người nước ngoài chụp lại trong khu vực rừng Bạch Mã. Đây là loài động vật đặc hữu, quý hiếm thuộc tình trạng nguy cấp. Bên cạnh đó, tại VQG Bạch Mã còn có một số loài động vật quý hiếm khác, thường được các du khách chụp được ảnh như gà lôi lam mào trắng, voọc chà vá chân nâu… Theo lãnh đạo VQG Bạch Mã, trong hai lần đặt bẫy ảnh (thời gian 5 năm trở lại đây), trên địa bàn Vườn ghi nhận có 47 loài, nhóm loài thú và chim sống trên mặt đất. Bên cạnh còn có các loài quý hiếm như cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng miền Trung, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, trĩ sao, sơn dương…