Làm sao để phân biệt cúm A/H5N1, cúm mùa và COVID-19?

25/03/2024 14:36

Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có dấu hiệu khởi phát khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, COVID-19… người dân không nên chủ quan, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc tự ý điều trị sai, gây hậu quả đáng tiếc.

Ngày 24/3, Bộ Y tế đã đưa thông tin về trường hợp mắc cúm A/H5N1 tử vong tại Khánh Hòa. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 tại nước ta kể từ năm 2014 đến nay.

Theo đó, bệnh nhân nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 11/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi.

Ngày 19/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm; theo kết quả xét nghiệm ngày 20/3, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 và kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3.

Làm sao để phân biệt cúm A/H5N1, cúm mùa và COVID-19? - Ảnh 1.
Nam sinh 21 tuổi ở Khánh Hòa tử vong do mắc cúm A/H5N1. Ảnh minh họa

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người, virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%).

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có dấu hiệu khởi phát khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, COVID-19… người dân không nên chủ quan, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc tự ý điều trị sai, gây hậu quả đáng tiếc.

Cách phân biệt cúm A/H5N1, cúm mùa và COVID-19

Cúm A/H5N1

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM, cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm chủng H5N1 gây ra. Cúm A/H5N1 có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim và gia cầm. H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, có khả năng gây ra các biến chứng và nguy cơ tử vong cao ở người.

Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở người đều có liên quan đến việc tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh.

Virus cúm A/H5N1 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh hoặc vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch cũng tạo điều kiện cho việc mắc cúm A/H5N1.

Làm sao để phân biệt cúm A/H5N1, cúm mùa và COVID-19? - Ảnh 2.
Các triệu chứng của cúm A/H5N1 thường nặng hơn, diễn tiến nhanh hơn cúm thông thường, người dân không nên chủ quan. Ảnh minh họa

Các triệu chứng của bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 có thể bao gồm: Sốt (thường sốt cao, > 38°C), khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Các triệu chứng khác như: đau bụng, đau ngực, tiêu chảy.

Đặc biệt, người mắc bệnh cúm gia cầm thường có nguy cơ diễn tiến bệnh rất nhanh, biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy, thậm chí là tử vong.

Cúm mùa (cúm A/H1N1, cúm B)

Theo các bác sĩ, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

ThS.BSNT Nguyễn Trọng Hưng, Phó Đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc cúm mùa đều có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng, chảy nước mũi, trong đó, sốt và sổ mũi là 2 triệu chứng chính.

Ngoài ra, người mắc cúm có thể xuất hiện một số triệu chứng như: Ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi hoặc nôn mửa, tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày, không có thuốc điều trị bệnh cúm đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, cúm mùa (nhất là cúm A) và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao khi bị biến chứng cúm như trẻ em và người già trên 65 tuổi. Với phụ nữ mang thai, biến chứng bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trong 3 tháng đầu như sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi.

COVID-19

Theo các chuyên gia, triệu chứng mắc COVID-19 rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, khác với cúm xuất hiện đột ngột, COVID-19 có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

Các triệu chứng có thể bao gồm: Sốt hoặc ớn lạnh; ho; thở gấp hoặc khó thở; mệt mỏi; đau cơ hoặc cơ thể; đau đầu; mất vị giác hoặc mùi mới; đau họng; nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; buồn nôn hoặc nôn mửa…

Đáng chú ý, bệnh nhân mắc COVID-19 thường mất khứu giác đột ngột. Vì vậy, những người bị mất khứu giác đột ngột nên test Covid để khẳng định bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các dấu hiệu trên có thể giúp nhận biết sớm bệnh, tuy nhiên, một số trường hợp mắc cúm mùa hoặc cúm gia cầm không có dấu hiệu điển hình. Vì vậy, khi bị sốt cao, ho, mệt mỏi… người dân không nên chủ quan, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, kịp thời, tránh biến chứng.