Sốt cao ở người lớn có nguy hiểm không? Xử trí thế nào?
Sốt là tình trạng cơ thể gia tăng thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ bình thường. Những cơn sốt ở người lớn thường ít được chú ý như trẻ em. Tuy nhiên, sốt cao ở người lớn có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm.
1. Sốt bao nhiêu độ là cao?
Ở người trưởng thành, sốt được chia thành ba cấp độ:
- Sốt nhẹ: Nhiệt độ cơ thể dao động trong khoảng 37 – 38°C.
- Sốt mức trung bình: Thân nhiệt tầm 39°C.
- Sốt cao : Nhiệt độ lên đến 39 – 40°C.
Khi thân nhiệt của người bệnh tăng cao đột ngột từ 40°C trở lên được xem là sốt cao, khi đó người bệnh sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu và xử trí ngay lập tức.
2. Nguyên nhân gây sốt cao ở người lớn
Khi cơ thể bị sốt rất có thể đang nhiễm một loại virus hoặc vi khuẩn nào đó. Khi miễn dịch của cơ thể phát hiện ra những tác nhân lạ trong cơ thể, nó sẽ giải phóng ra các tín hiệu để huy động bạch cầu chiến đấu chống lại những tác nhân này. Từ đó làm thay đổi thân nhiệt cơ thể gây ra những cơn sốt. Về bản chất, sốt là một dấu hiệu tốt chứng tỏ cơ thể có những phản ứng đối với những tác nhân gây hại.
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cũng có thể chườm khăn để hạ sốt.
Các nguyên nhân gây sốt ở người lớn phổ biến là: Nhiễm virus (như cúm hoặc cảm lạnh); Nhiễm khuẩn; Nhiễm trùng nấm; Ngộ độc thực phẩm; Sốc nhiệt, say nắng; Viêm; Khối u; Có cục máu đông...
Một số người lớn có nguy cơ cao bị sốt nghiêm trọng, chẳng hạn như mắc phải một số bệnh mạn tính: Hen suyễn; Viêm khớp dạng thấp; Bệnh tiểu đường; Bệnh Crohn; Bệnh tim; Bệnh hồng cầu hình liềm; Bại não…
Sốt cao (khoảng từ 38 đến dưới 40 độ C) nếu xác định được đúng nguyên nhân thì phần lớn người bệnh sẽ đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt và thuốc điều trị bệnh chính. Sốt cao (trên 40 độ C) lại thường là biểu hiện của những bệnh nhiễm trùng nặng chẳng hạn như nhiễm trùng huyết, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não hay tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định.
3. Sốt cao ở người lớn khi nào nguy hiểm?
Những dấu hiệu đi kèm với sốt cao cảnh báo tình trạng rất nguy hiểm:
- Rối loạn chức năng tâm thần, mơ hồ nhầm lẫn, hôn mê.
- Nhức đầu, cứng cổ, xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ hoặc màu tím trên da.
- Cứng hàm, co thắt cơ, đau cổ, đổ mồ hôi.
- Đau bụng,
- Co giật.
- Tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, thở gấp.
- Nhiệt độ cơ thể cao hơn 40 độ C hoặc thấp hơn 35 độ C.
- Chán ăn, người mệt mỏi, xanh xao trong nhiều ngày.
- Từng đến vùng có dịch bệnh: virus cúm, sốt xuất huyết...
Khi sốt cao kèm theo các dấu hiệu trên, người bệnh cần nhanh chóng tới các bệnh viện để được chăm sóc y tế tốt nhất.
4. Làm gì khi bị sốt cao ở người lớn?
Cách giảm đau hạ sốt nhanh cho người lớn:
Đối với trường hợp sốt < 39 độ C
- Cần mặc quần thoáng mát, bỏ bớt quần áo trên người, đặc biệt chú ý không đắp chăn dù có cảm thấy lạnh. Cần theo dõi thường xuyên sự thay đổi thân nhiệt.
- Chườm mát cho cơ thể: Lau cơ thể, đắp khăn hoặc tắm bằng nước ấm. Sử dụng 1 khăn nhúng nước ấm 40 – 50 độ C, vắt rồi lau thân mình cho bệnh nhân, chú ý những vị trí nách, bẹn… đến khi nước bốc hơi hết thì tiếp tục lặp lại đến khi thân nhiệt xuống. Theo dõi thân nhiệt liên tục, nếu sốt tăng trở lại thì tiếp tục chườm mát.
Nếu sốt từ 39 độ C trở lên:
- Cần phải uống thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng/ cân nặng, giữa hai lần uống thuốc phải cách tối thiểu 4 – 6 giờ.
- Với người bệnh bị nôn, có thể sử dụng viên thuốc đạn nhét vào hậu môn để hạ sốt.
- Chú ý uống nhiều nước. Có thể sử dụng Oresol để bù nước và điện giải theo hướng dẫn cụ thể trên bao bì.
- Nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu, lỏng như cháo, súp,… Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi… giúp tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Bổ sung canxi thông qua khẩu phần ăn hằng ngày như cá, rau xanh, yến mạch…
- Tắm bằng nước ấm: Điều này không chỉ làm mát cơ thể mà còn giúp bạn cảm thấy sạch sẽ và thoải mái hơn.
- Chườm khăn mát lên trán.
5. Lời khuyên bác sĩ
- Không tự ý kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt nhằm giảm nhiệt độ nhanh vì có thể dẫn đến dùng thuốc quá liều và gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Không đắp chăn ấm, mặc nhiều áo khi bị sốt cao dễ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và càng rét run. Mở cửa thoáng phòng.
- Không nên kết hợp cùng lúc nhiều cách hạ sốt: uống thuốc, ngâm người vào bồn nước ấm… có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, rất nguy hiểm.
- Không chườm lạnh sẽ làm co mạch khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài qua lỗ chân lông.
Sau khi áp dụng các biện pháp hạ nhiệt hoặc bị sốt uống thuốc không hạ, người bệnh vẫn sốt cao, cần ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không chủ quan, tự ý điều trị tại nhà vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
BS. Nguyễn Văn Bàng