Chuyên gia dinh dưỡng lý giải vì sao trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có đường
GĐXH – Hiện nay, nhiều bố mẹ vẫn có thói quen cho đường khi chế biến đồ ăn cho trẻ nhỏ hoặc cho trẻ uống các loại nước ngọt đóng chai. Theo các chuyên gia, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ về sau.
Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi ăn/uống thêm đường
Tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của đồ uống có đường diễn ra mới đây, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên thế giới. Tỷ lệ thừa cân, béo phì đặc biệt ở trẻ em tăng nhanh, cứ 5 trẻ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tại Việt Nam, tình trạng này cũng tăng lên nhanh chóng ở trẻ em. Tại các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ có thể lên tới 40%. Con số này ở người trưởng thành là 20%, có địa phương lên tới gần 30%.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, các nghiên cứu cho thấy, một loại nước ngọt thông thường sẽ chứa khoảng 35g đường và rất ít hàm lượng dinh dưỡng khác. Trong khi đó, sử dụng đồ uống có đường không hợp lý được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, lạm dụng đồ uống có đường thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, các bệnh về răng miệng, bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp…
"Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe; tương đương dưới 25 - 50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25g đường mỗi ngày với trẻ em. Riêng trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường", PGS.TS Trương Tuyết Mai thông tin.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bố mẹ vẫn có thói quen cho đường khi chế biến đồ ăn cho trẻ nhỏ hoặc cho trẻ uống các loại nước ngọt đóng chai. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ về sau.
Phân tích cụ thể về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bố mẹ cần thay đổi thói quen lạm dụng cho trẻ ăn/uống các sản phẩm có đường vì hai lý do chính.
Thứ nhất, đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, khi bố mẹ cho trẻ ăn đa dạng, lượng đường có trong thực phẩm tự nhiên đã đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Vì vậy, không nhất thiết phải sử dụng thêm bất kỳ thực phẩm chứa đường nào khác. Việc bổ sung đường sẽ dẫn đến tình trạng thừa đường so với nhu cầu khuyến nghị. Điều này là không tốt.
Thứ hai, vị giác của trẻ nhỏ rất dễ hình thành thói quen. Do đó, khi cho trẻ ăn quá ngọt hoặc quá mặn đều không có lợi cho thói quen sau này của trẻ. Trẻ sẽ có xu hướng thích đồ quá ngọt hoặc quá mặn và lạm dụng các loại thực phẩm ngọt/mặn chế biến sẵn. Trong khi đó, ăn quá ngọt sẽ chứa nhiều đường, quá mặn sẽ chứa natri cao, đều gây ra những bất lợi cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, với một đứa trẻ thường xuyên ăn quá ngọt sẽ xảy ra tình trạng thừa năng lượng rỗng nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng khác. Không những thế, ăn/uống nhiều đường làm dư thừa lượng đường so với nhu cầu của trẻ, đường dần dần tích lũy dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, thậm chí kéo theo những hệ lụy không tốt cho sức khỏe của trẻ như các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh kém hấp thu khác…
Bố mẹ cần hạn chế cho trẻ nhỏ dùng nhiều đường
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, gia đình là môi trường tốt nhất cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần có ý thức hạn chế mua những thực phẩm chứa nhiều đường để ở trong nhà, trong tủ lạnh để trẻ không có thói quen lạm dụng ăn/uống nhiều đường.
Bố mẹ nên cho trẻ sử dụng nước lọc, nước đóng chai thay cho các loại nước ngọt. Sử dụng đúng liều lượng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn …) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt…
Bên cạnh đó, bố mẹ cần xem xét kỹ lưỡng để hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn của trẻ. Cho trẻ ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Khi mua thực phẩm, đồ uống cho trẻ, nên đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn để trẻ không bị thừa đường, gây hại cho sức khỏe của trẻ.