Thay đổi thói quen nhỏ nhằm giúp sức khỏe chuyển biến lớn
PLBĐ - Để cải thiện sức khỏe và độ dẻo dai, bạn không nên áp dụng những thay đổi lớn trong thói quen hằng ngày, mà nên bắt đầu từ những thay đổi nhỏ và lâu dài.
Đi bộ nhiều hơn
Đi bộ tốt cho sức khỏe. (ảnh minh họa)
Chuyên gia khuyến cáo bạn nên đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Đi bộ là một dạng tập thể dục đơn giản, không tốn kém và có thể thực hành ở bất cứ đâu. Đi bộ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao và tiểu đường.
Tắm nước ấm trước khi ngủ
Tắm nước ấm thư giãn không chỉ là thói quen tuyệt vời để mang lại cảm giác dễ chịu, mà còn thực sự tốt cho sức khỏe vì nó giúp giảm mức đường huyết và nguy cơ mắc bệnh tim. Hơn nữa, tắm nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 1,5 tiếng có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
Jason Ellis - giám đốc Trung tâm Giấc ngủ Northumbria (Mỹ), giải thích rằng khi tắm nước ấm, thân nhiệt trung tâm sẽ tăng lên, sau đó hạ xuống giống với cơ chế khởi động giấc ngủ, bằng cách kích hoạt giải phóng hoóc-môn gây buồn ngủ melatonin và gửi tín hiệu mạnh mẽ tới não bộ rằng đã đến giờ ngủ.
Uống một cốc nước đầu tiên vào mỗi buổi sáng
Đừng quên bổ sung nước cho cơ thể vào mỗi buổi sáng ngủ dậy. (ảnh minh họa)
Chúng ta thường không cung cấp đủ nước cho cơ thể, và việc bận rộn suốt ngày khiến ta quên đi việc đó. Hoặc thay vì bổ sung nước cho cơ thể mình, ta lại bổ sung soda, cà phê hay trà chẳng hạn. Hãy khởi động bản thân bằng việc đặt một cốc nước lớn trên bàn của bạn. Hoặc làm theo cách tôi làm - dùng một cốc lớn có nắp đậy. Vào buổi tối, tôi thường đổ đầy cái cốc đó với rất nhiều đá và một chút nước, và đến buổi sáng thì một cốc nước mát lạnh đã đang chờ đợi tôi rồi. Hãy loại bỏ những chất độc hại, khởi động cơ thể, và thức dậy.
Dành 20 phút/ngày học kỹ năng mới
Việc xây dựng một thói quen hoàn toàn mới cho bản thân - như tập vẽ tranh, học ngôn ngữ mới - thường không dễ, đặc biệt là đối với người lớn tuổi. Nhưng chúng thực sự có tác động mạnh mẽ đến quá trình lão hóa não bộ.
Theo Giáo sư tâm lý học Alan Gow tại Ðại học Heriot-Watt (Anh), việc cố gắng tiếp cận hoặc học hỏi một kỹ năng mới có thể thay đổi cách bạn suy nghĩ và cảm nhận, qua đó kích thích bộ não tạo ra các tế bào mới. Nếu kỹ năng mới đủ gây khó, bộ não buộc phải tạo ra những con đường mới và phát triển kết nối mới, từ đó tăng cường sức mạnh trí não.
Nghiên cứu của Giáo sư Gow chỉ ra rằng sau 3 tháng làm quen với một kỹ năng mới, mọi người đều cảm nhận được sự cải thiện trong kỹ năng tư duy - đặc biệt là ở những vùng não bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình lão hóa. Thông thường, vùng não phụ trách tốc độ xử lý và tư duy có xu hướng suy giảm theo tuổi tác trước tiên. Nhưng những vùng não này cũng nhận được nhiều lợi ích nhất khi chúng ta học kỹ năng mới. Vì thế, không bao giờ là quá muộn để thử học kỹ năng mới.