Ảnh hưởng của việc mất ngủ kéo dài và cách phòng tránh

Lê Vy (t/h) 09/11/2022 10:56

PLBĐ - Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ và cơ thể con người. Khi ngủ, não cùng các bộ phận cũng sẽ được nghỉ ngơi. Hiện nay, không ít người gặp phải tình trạng ngủ không sâu giấc hay mất ngủ kéo dài. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.

Mất ngủ kéo dài là tình trạng khi người bệnh có biểu hiện khó ngủ hoặc mất ngủ một cách thường xuyên trong khoảng thời gian có thể từ 20 ngày đến hơn 1 tháng. Người bị mất ngủ thường có các biểu hiện như: ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn, khó ngủ hoặc bị tỉnh giấc bất chợt khi đang ngủ.

Hiện nay, ngày càng nhiều người mắc phải triệu chứng này, theo các bác sĩ chuyên khoa đã có hơn 30% dân số trên thế giới có những dấu hiệu mất ngủ kéo dài.

Nhóm người dễ gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài thường là những người có độ tuổi trên 60. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: do tuổi tác, teo não tuổi già, do di truyền, các bệnh mạn tính, hội chứng lo âu,... Hiện nay, số lượng người phải sử dụng thuốc ngủ để đi vào giấc ngủ ngày càng gia tăng. Những cơ sở khám chữa bệnh có số lượng bệnh nhân khám mất ngủ tăng rất nhiều lần so với những năm trước.

Ảnh hưởng của việc mất ngủ kéo dài và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Mất ngủ lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. (ảnh minh họa)

Một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu tình trạng mất ngủ kéo dài không được can thiệp, điều trị hiệu quả như:

Bệnh tim mạch

Khi chúng ta ngủ, là lúc cơ thể được nghỉ ngơi và đây cũng là thời điểm để cơ thể chúng ta đào thải những độc tố không tốt ra ngoài. Nếu gặp tình trạng mất ngủ, cơ quan trong cơ thể vẫn sẽ tiếp tục phải làm việc. Mạch máu và tim sẽ bị áp lực nhiều hơn khi mất ngủ vì lúc này cơ thể sẽ cần nhiều insulin để đảm bảo ổn định được lượng đường huyết.

Bệnh trầm cảm 

Khi cơ thể bị mất ngủ trong thời gian dài sẽ tiết ra hormone cortisol. Đây là loại hormone khiến cơ thể mệt mỏi, lo âu và hay căng thẳng. Trong một thời gian dài tình trạng này không cải thiện sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng xương

Khi cơ thể không ngủ đủ thời gian 6 tiếng/ngày, quá trình nuôi dưỡng xương sẽ bị chậm lại và giảm độ mật cũng như xương trở nên giòn và yếu hơn.

Đối với những người lớn tuổi, tình trạng mất ngủ kéo dài diễn ra phổ biến hơn người trẻ. Người lớn tuổi thường xuyên ngủ ít và hay bị mất ngủ, điều này sẽ khiến những khoáng chất có trong xương suy giảm và thường xuyên xảy ra tình trạng đau nhức, khó đi lại.

Tâm sinh lý thay đổi

Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, stress, hay bị lo âu và căng thẳng. Điều này diễn ra lâu sẽ dẫn tới trầm cảm, thay đổi tâm sinh lý hoặc dẫn tới một số vấn đề về thần kinh.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá

Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi mất ngủ lại ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi bạn bị mất ngủ kéo dài, cơ thể sẽ bị mệt mỏi và stress, đây chính là một nguyên nhân gây ra tình trạng đau dạ dày. Mặt khác, khi cơ thể bị mất ngủ, dạ dày và các cơ quan tiêu hoá khác vẫn sẽ phải hoạt động mà không được nghỉ ngơi, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới hệ tiêu hoá trong cơ thể.

Để phòng tránh mất ngủ kéo dài, chúng ta cần:

Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học và duy trì giấc ngủ đều đặn

Tình trạng mất ngủ hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học được cho là nguyên nhân chính.

Cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi và mất ngủ kéo dài do áp lực công việc và hay do việc sử dụng các chất kích thích. Vì thế, nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc để đảm bảo cho mọi hoạt động hàng ngày và làm việc được hiệu quả.

Đối với những người lớn tuổi, gặp tình trạng mất ngủ cần giữ thói quen tập thể dục, dưỡng sinh nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện giấc ngủ rất tốt.

Ảnh hưởng của việc mất ngủ kéo dài và cách phòng tránh - Ảnh 2.

Tập thể dục giúp cải thiện giấc ngủ. (ảnh minh họa)

Bản thân luôn trong trạng thái tích cực và thoải mái về tinh thần

Trong cuộc sống thường ngày, không phải chỉ có những vui vẻ, cũng sẽ có lúc chúng ta cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ rất nhiều, có thể gây ra tình trạng thiếu ngủ hoặc giảm chất lượng giấc ngủ. Vì thế, khi rơi vào trạng thái lo âu, mệt mỏi các bạn hãy cố gắng giải tỏa và luôn giữ cho mình trạng thái tích cực cùng một tinh thần thoải mái nhất.

Ăn uống đúng bữa với chế độ khoa học

Khi bạn thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý đúng khoa học, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và góp phần giúp giấc ngủ ngon hơn.

Đảm bảo những thức ăn đầy đủ dinh dưỡng trong ngày, nên bổ sung thêm các thực phẩm có chứa vitamin B6, canxi hay magie,... và hạn chế các chất kích thích như: cà phê hay rượu bia để có một cơ thể khỏe mạnh thì sẽ có một giấc ngủ tốt.

Lê Vy (t/h)