Cách rửa lòng non hết sạch mùi hôi
Làm sạch và khử mùi hôi của lòng non là khâu sơ chế quan trọng để đảm bảo món ăn được hoàn hảo, đây cũng là thách thức đối với nhiều người.
Việc lựa chọn và sơ chế lòng non một cách cẩn thận là bước quan trọng để đảm bảo món lòng của bạn thơm ngon, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để chọn có nguyên liệu tốt cho món lòng heo, bạn nên chọn những dải lòng có độ dày và mềm vừa phải, khi bóp nhẹ thấy có dịch màu trắng chảy ra. Nếu dịch màu vàng, dải lòng đó không non lắm và sau khi chế biến dễ bị đắng.
Lòng non kép có hai lớp mỏng phủ bên ngoài, thường mềm mại và ngon hơn. Loại này thường hiếm, bạn cần phải đặt hàng trước hoặc đi chợ sớm mới mua được.
Bạn cần chọn được lòng non tươi ngon để có món ăn hoàn hảo. (Ảnh: Annieliciousfood)
Cách rửa lòng non hết sạch mùi hôi
Sau khi mua lòng, bước làm sạch là yếu tố quyết định món lòng có thơm ngon hay không. Dưới đây là một số mẹo đơn giản giúp bạn loại bỏ mùi hôi và làm sạch lòng non một cách hiệu quả.
Ngâm với muối
Một trong những cách rửa lòng non hết sạch mùi hôi đơn giản nhất là sử dụng muối, vì muối có khả năng hút và loại bỏ mùi hôi, đồng thời làm sạch cặn bẩn.
Đầu tiên, bạn đổ nước lạnh vào một chậu lớn hoặc bồn nhỏ, đảm bảo có đủ nước để lòng non được ngâm đều. Thêm một ít muối vào nước, cho lòng non vào ngâm trong khoảng 15-30 phút rồi lấy ra và rửa sạch với nước lạnh. Nhẹ nhàng bóp lòng non để loại bỏ chất bẩn còn lại.
Làm sạch và khử mùi hôi lòng non bằng muối và giấm
Khi mua lòng non về, đầu tiên bạn hãy lộn ngược để loại bỏ chất nhầy bên trong. Bạn có thể sử dụng một nhánh gừng để đẩy chất nhớt ra khỏi lòng non hoặc cạo nhẹ bằng tay, sau đó sử dụng hỗn hợp muối và giấm để làm sạch.
Rửa lại lòng non với nước sạch để loại bỏ tạp chất còn lại.
Sử dụng chanh và muối
Cách rửa lòng non hết sạch mùi hôi này tương tự cách trên. Sau khi lộn ngược và làm sạch bên trong lòng non, bạn dùng nước chanh và muối để bóp. Nước chanh có tính axit giúp loại bỏ mùi hôi, còn muối có khả năng diệt vi khuẩn.
Sau đó, bạn rửa sạch lòng non với nước, chần qua nước sôi để lòng cứng và giòn hơn, sau đó dùng tay vuốt lại một lần nữa để đảm bảo sạch sẽ.
Sử dụng bột mỳ và chanh
Ngoài hai phương pháp trên, bạn cũng có thể sử dụng bột mỳ và chanh để rửa lòng non hết sạch mùi hôi. Bắt đầu bằng việc lộn ngược lòng non và làm sạch các chất nhầy bên trong. Trộn bột mỳ với một ít muối hạt và bóp kỹ, rửa sạch với nước.
Sau khi đã làm sạch, bạn dùng nước chanh chà mạnh lên lòng non và rửa lại bằng nước sạch; nhẹ nhàng xoa bóp lòng non để loại bỏ mọi vết bẩn còn sót lại.
Lưu ý khi chế biến lòng non
Khi sơ chế lòng non, việc tuốt quá kỹ có thể làm cho lòng non trở nên dai và khô xác. Để tránh tình trạng này, bạn có thể tuân theo các bước sau:
- Lòng non mua về nên được cắt thành các đoạn nhỏ khoảng 30-35 cm để dễ dàng sơ chế.
- Việc bóp lòng với muối là bước quan trọng để loại bỏ mùi hôi.
- Khoắng lòng non trong nước sạch một cách nhẹ nhàng, nhớ không bóp quá mạnh để tránh làm hỏng cấu trúc của lòng non.
Để có món lòng non luộc trắng giòn, bạn cần đun sôi nước trong nồi và thêm sả gừng đã đập dập vào nước. Sả và gừng sẽ tạo ra hương thơm tự nhiên và làm cho lòng non thêm thơm ngon.
Khi nước đã sôi, cho lòng non vào nồi và nhấn chìm xuống, luộc trong khoảng 2 phút rồi vớt ra và ngâm ngập vàot âu nước đá. Việc ngâm trong nước đá giúp làm ngừng quá trình chín, giữ cho lòng non giòn và có màu trắng tự nhiên.
Nên thêm một ít nước cốt chanh để tăng hương vị và làm cho lòng non trắng thơm.
Đun sôi nước trong nồi lần nữa, cho lòng non đã ngâm vào nồi và luộc trên lửa lớn khoảng 1 phút, sau đó vớt ra, ngâm ngập vào âu nước đá.
Tổng thời gian luộc và hãm nhiệt lòng non khoảng 3 phút là đủ để lòng chín mà vẫn giữ được độ giòn và màu trắng tự nhiên.
Theo VTC