Điều trị và dự phòng nhiễm virus hợp bào hô hấp cho trẻ như thế nào?
Mùa virus hợp bào hô hấp ở trẻ em thường diễn ra vào cuối thu-đông. Bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ đến suy hô hấp cấp tính nặng, đe dọa tính mạng. Điều trị bệnh chủ yếu là triệu chứng và/hoặc biến chứng (nếu có)...
1. Virus hợp bào hô hấp là gì?
Virus hợp bào hô hấp ( RSV ) là một trong nhiều mầm bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp . Mặc dù các triệu chứng của nhiễm virus thường nhẹ và tự khỏi, nhưng ở một số bệnh nhân, nhiễm virus có thể diễn biến nặng lên.
Virus hợp bào hô hấp thuộc giống Pneumovirus, có vật chất di truyền ở dạng RNA. Mầm bệnh có ái lực đặc biệt với biểu mô của đường hô hấp.
Khi các tế bào bị nhiễm virus, nó kết hợp thành cấu trúc lớn hơn, tạo ra hợp bào trong hệ hô hấp, dẫn đến sự chuyển động kém của các lông mao trong biểu mô đường hô hấp. Từ đó sản xuất quá nhiều chất nhầy, khiến bệnh nhân cảm thấy hụt hơi và khó thở.
RSV lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí và tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh. Khả năng lây nhiễm RSV cao, ngay cả khi tiếp xúc ngắn với người bệnh cũng có thể bị lây nhiễm.
RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đối với trẻ khỏe mạnh, nhiễm RSV không nguy hiểm. Nhưng ở trẻ sinh non , trẻ bị suy giảm miễn dịch và mắc một số dị tật bẩm sinh, đặc biệt là hệ hô hấp và cơ tim, thì khi nhiễm RSV có thể gây ra hậu quả xấu. Nhiễm RSV có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi, gia tăng nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Trẻ em mắc các bệnh đi kèm có thể bị nhiễm RSV nặng hơn. Những bệnh nhân này có thể bị suy hô hấp cấp tính và thường phải điều trị tại bệnh viện.
Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm viêm phổi, viêm tai giữa do vi khuẩn thứ phát. Ở nhóm bệnh nhân này, ban đầu tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên thường lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm phổi.
Để dự phòng, nên cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời, tránh tiếp xúc với khói thuốc và những người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.
2. Điều trị nhiễm v irus hợp bào hô hấp như thế nào?
Điều trị nhiễm RSV cũng như các bệnh do virus đường hô hấp cấp tính khác, là điều trị triệu chứng.
Đa số trẻ nhiễm RSV có biểu hiện viêm tiểu phế quản nhẹ, không biến chứng, không có yếu tố nguy cơ cao bệnh trở nặng được điều trị tại nhà với các biện pháp:
- Vệ sinh mũi: Nhỏ/xịt mũi bằng nước muối sinh lý 0,09%, dùng dụng cụ hút dịch nhầy để làm thông thoáng mũi, giúp trẻ dễ thở và ăn uống tốt hơn.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ. Chỉ cho trẻ uống thuốc khi có biểu hiện sốt cao (từ 38,5 độ C trở lên và có biểu hiện mệt mỏi). Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống, hành động này có thể khiến trẻ bệnh nặng hơn vì dùng thuốc không đúng để điều trị bệnh.
- Cho trẻ bú/ăn uống đầy đủ: Chia nhỏ bữa ăn để làm giảm tình trạng nôn trớ khi trẻ ho nhiều.
- Cho trẻ uống đủ nước: Nước làm loãng đờm, dịch nhầy hô hấp và giúp việc tống đẩy đờm tốt hơn.
- Tái khám đúng hẹn.
Người chăm sóc trẻ phải đặc biệt theo dõi, chú ý phát hiện dấu hiệu bệnh nặng hơn để đưa trẻ nhập điều trị.
Tại bệnh viện, nếu trẻ khó chịu, thở khò khè, có nhiều dịch nhầy hô hấp ngăn cản không khí đến các phế nang của phổi, trẻ sẽ được thở oxy hoặc dùng salbutamol để làm giãn đường hô hấp.
Trường hợp nặng hơn, trẻ không thở được, bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp hỗ trợ thở. Nếu trẻ có bội nhiễm, cần dùng kháng sinh và một số thuốc hỗ trợ khác.
Quá trình điều trị, người chăm sóc cũng cần theo dõi trẻ để phát hiện những bất thường để trao đổi ngay với bác sĩ để điều chỉnh phác đồ phù hợp.
3. Dự phòng RSV bằng palivizumab
Ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, trẻ có nguy cơ cao trở nặng khi nhiễm RSV, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo dự phòng RSV bằng palivizumab trong mùa dịch RSV.
Palivizumab là một kháng thể đơn dòng có tác dụng chống RSV. Cơ chế hoạt động của palivizumab là trung hòa và ức chế hợp chất chống lại RSV. Theo đó, palivizumab liên kết với glycoprotein của RSV, ngăn cản sự liên kết RSV với tế bào chủ.
Thuốc được sử dụng để phòng ngừa bệnh đường hô hấp dưới nghiêm trọng do RSV gây ra ở bệnh nhi có tiền sử sinh non (tuổi thai ≤35 tuần) và trẻ dưới 6 tháng vào đầu mùa RSV.
Các bệnh nhi mắc chứng loạn sản phế quản phổi (BPD) phải điều trị trong vòng 6 tháng trước đó; bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh cũng có cùng khuyến cáo.
Theo đó, AAP cũng khuyến cáo có thể xem xét điều trị dự phòng bằng palivizumab trong các trường hợp sau:
- Trẻ sinh non ở tuổi thai từ 29 tuần và dưới 12 tháng khi bắt đầu mùa RSV.
- Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi mắc bệnh phổi mãn tính (CLD) do sinh non.
- Trẻ sơ sinh từ 12 trở xuống tháng tuổi mắc dị tật tim bẩm sinh.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 24 tháng tuổi bị CLD khi sinh non cần điều trị (dùng oxy bổ sung, thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu hoặc liệu pháp steroid mãn tính) trong vòng 6 tháng trước khi bắt đầu mùa RSV.
- Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi có bất thường đường thở bẩm sinh hoặc rối loạn thần kinh cơ, làm giảm khả năng quản lý các chất tiết đường thở.
- Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi bị xơ nang mắc bệnh phổi mãn tính và/hoặc tổn thương dinh dưỡng.
- Trẻ dưới 24 tháng bị xơ nang với bệnh phổi nặng (đã phải nhập viện trước đó do đợt cấp của bệnh phổi trong năm đầu đời hoặc các bất thường trên phim Xquang phổi).
- Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 24 tháng tuổi bị suy giảm miễn dịch nặng.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 24 tháng tuổi được ghép tim trong mùa dịch RSV.
Palivizumab được dùng dưới dạng tiêm bắp cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 24 tháng với liều 15mg/kg mỗi tháng một lần trong suốt mùa dịch RSV. Liều đầu tiên nên được thực hiện trước khi bắt đầu mùa RSV.
Nếu trẻ nhập viện khi bắt đầu mùa dịch RSV, nên tiêm palivizumab từ 48-72 giờ trước khi trẻ được ra viện hoặc ngay sau khi ra viện. AAP khuyến cáo tiêm tối đa 5 liều mỗi mùa. Trường hợp trẻ phải nhập viện do nhiễm RSV bội nhiễm, nên ngừng điều trị dự phòng trong thời gian còn lại của mùa dịch.
Đối với bệnh nhi có bắc cầu tim phổi, liều 15mg/kg nên được dùng càng sớm càng tốt sau thủ thuật bắc cầu tim phổi
DS. Hoàng Ngọc Sơn