Người đàn ông tiêm 217 mũi vaccine Covid-19 trong gần ba năm
Một người đàn ông ở Đức khiến giới khoa học bối rối khi cố tình tiêm ngừa Covid-19 217 lần từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2023.
Trong vòng 29 tháng, người đàn ông 62 tuổi, sống ở Magdeburg, trở thành một thí nghiệm sống về những gì xảy ra với hệ thống miễn dịch, khi ông được tiêm vaccine chống lại cùng một mầm bệnh nhiều lần. Một bức thư được công bố hôm 4/3 trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet đã phác thảo trường hợp của ông và kết luận rằng mặc dù việc "tăng cường tiêm chủng" không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe nhưng nó cũng không cải thiện hoặc làm xấu đi đáng kể phản ứng miễn dịch của ông ta.
Người đàn ông, được giữ kín danh tính, cho biết đã nhận 217 mũi tiêm Covid từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2023. Trong số đó, 134 mũi được công tố viên xác nhận và thông qua tài liệu của trung tâm tiêm chủng, 83 mũi còn lại là tự báo cáo.
"Đây là một trường hợp thực sự bất thường khi một người nhận được nhiều vaccine Covid như vậy, rõ ràng là không tuân theo bất kỳ loại hướng dẫn nào", Tiến sĩ Emily Happy Miller, trợ lý giáo sư y khoa, vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Albert Einstein, người cũng tham gia nghiên cứu, cho hay.
Người đàn ông này không báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến vaccine và cho đến nay vẫn chưa bị nhiễm Covid, dựa trên các xét nghiệm kháng nguyên và PCR nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 11/2023.
"Có lẽ ông ấy không nhiễm Covid vì đã được bảo vệ tốt trong ba liều vaccine đầu tiên. Chúng tôi cũng không biết gì về hành vi của ông ta", Miller nói.
Tiến sĩ Kilian Schober, tác giả chính của nghiên cứu mới và là nhà nghiên cứu tại Đại học Friedrich-Alexander Erlangen-Nürnberg, cho biết điều quan trọng cần nhớ rằng đây là một nghiên cứu điển hình riêng lẻ và kết quả không thể khái quát hóa được.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết họ không tán thành việc tăng tiêm chủng như một chiến lược để tăng cường khả năng miễn dịch. "Lợi ích sẽ không lớn hơn nhiều nếu bạn tiêm chủng ba lần hoặc 200 lần", Schober nói.
Theo lịch sử tiêm chủng của mình, người đàn ông này đã tiêm vaccine Covid đầu tiên vào tháng 6/2021. Anh ta đã tiêm 16 mũi vào năm đó tại các trung tâm trên khắp bang Saxony, phía đông nước Đức. Đến tháng 1/2022, ông tiêm thêm 48 lần ở cả tay trái và tay phải. Sang tháng 2 và tháng 3/2022, ông tiêm lần lượt 34 mũi và 6 mũi.
Khoảng thời gian này, các nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Đức ở thành phố Dresden trở nên nghi ngờ và đưa ra cảnh báo đến các trung tâm tiêm chủng khác, khuyến khích họ gọi cảnh sát nếu gặp lại người đàn ông đó.
Đầu tháng 3/2022, người đàn ông xuất hiện tại một trung tâm tiêm chủng ở thị trấn Eilenburg và bị cảnh sát bắt giữ. Theo RTL, ông ta bị nghi ngờ bán thẻ xác nhận đã tiêm chủng cho bên thứ ba. Đây là thời điểm mà nhiều quốc gia Châu Âu yêu cầu phải có xác nhận tiêm chủng để xuất hiện ở các địa điểm công cộng và đi du lịch.
Theo nghiên cứu, công tố viên ở Magdeburg đã mở một cuộc điều tra về người đàn ông này vì tội cung cấp trái phép thẻ tiêm chủng và giả mạo tài liệu nhưng cuối cùng không đưa ra cáo buộc hình sự.
Các nhà nghiên cứu đã đọc về người đàn ông này trên tin tức và liên hệ thông qua công tố viên đang điều tra vụ án của anh ông vào tháng 5/2022. Tính đến thời điểm đó, ông đã tiêm 213 mũi.
Người đàn ông đồng ý cung cấp thông tin y tế, mẫu máu và nước bọt. Schober cho biết người đàn ông sau đó tiếp tục tiêm thêm bốn mũi Covid, trái với lời khuyên y tế của các nhà nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học trong máu của ông này và nhận thấy không có bất thường nào liên quan đến việc tiêm chủng quá mức. Ngoài ra, họ cũng xem xét nhiều dấu hiệu để đánh giá hệ thống miễn dịch thích ứng của ông ta đang hoạt động như thế nào.
Miller cho hay hệ thống miễn dịch thích ứng là một phần nhỏ của hệ thống miễn dịch, có chức năng học cách nhận biết và phản ứng với các mầm bệnh cụ thể khi bạn gặp chúng trong suốt cuộc đời. Có hai loại tế bào chính trong hệ thống miễn dịch thích ứng là tế bào T và tế bào B.
Schober cho biết trong các bệnh mãn tính, chẳng hạn như HIV và viêm gan B, các tế bào miễn dịch có thể trở nên mệt mỏi do tiếp xúc thường xuyên với mầm bệnh và mất khả năng chống lại nó một cách hiệu quả. Về lý thuyết, việc tăng cường tiêm chủng có thể có tác động tương tự.
Tuy nhiên, đó không phải là những gì các nhà nghiên cứu tìm thấy. Theo nghiên cứu, việc tăng cường tiêm chủng trong trường hợp này đã làm tăng số lượng (số lượng tế bào T và các sản phẩm của tế bào B) nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống miễn dịch thích ứng.
Tổng cộng, người đàn ông này đã nhận được 8 công thức vaccine, bao gồm vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna, vaccine dựa trên vectơ của Johnson & Johnson và vaccine protein tái tổ hợp của Sanofi.
"Quan sát cho thấy không có tác dụng phụ đáng chú ý nào xảy ra mặc dù đợt tiêm chủng tăng cường đặc biệt này có mức độ dung nạp tốt", Schober nhận định.
Theo Miller, mặc dù trường hợp của người đàn ông khá thú vị từ góc độ khoa học, những nghiên cứu điển hình riêng lẻ như thế này luôn được coi là muối bỏ bể. Bà nói thêm các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng dựa trên các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, có quy mô lớn, là những gì mọi người tìm kiếm để được hướng dẫn.
Hướng Dương (Theo CNN)