Bắt nhóm đối tượng bán gần 900 hộp thực phẩm chức năng giả
PLBĐ - Tổng số hàng hóa bị cơ quan chức năng thu giữ là 893 hộp thực phẩm chức năng các loại có công dụng hỗ trợ tăng cân, giảm cân, tăng cường sinh lý, an thần…
Tiền Phong thông tin, ngày 7/11, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt giữ nhóm đối tượng gồm: Phạm Huy Hiếu (SN 1999, trú tại Thái Bình), Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Đức Hoàn (cùng SN 2000, trú tại Nam Định) để làm rõ về hành vi buôn bán số lượng lớn thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cân, giảm cân, tăng cường sinh lý, an thần giả.
Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho hàng trên đường Phú Minh (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) do Nguyễn Văn Hoàng làm chủ.
Lực lượng chức năng phát hiện Hoàng và Hoàn đang đóng hộp một số hàng hóa là thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cân, giảm cân, tăng cường sinh lý, an thần… nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại thời điểm kiểm tra.
Tổng số hàng hóa bị cơ quan chức năng thu giữ là 893 hộp thực phẩm chức năng các loại gồm: 175 hộp thực phẩm chức năng CANXI PLUS; 102 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu TOCA; 75 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu V3; 108 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu EXTRAMAN; 385 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu viên sủi an thần; 93 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu MOLI; 132 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu LADY.
Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng khai nhận do không có công ăn việc làm ổn định đã nghĩ ra việc mua bán thực phẩm chức năng kiếm lời. Cụ thể, Hiếu là người mua trên mạng xã hội, sau đó bán lại cho Hoàng để tiếp tục bán lẻ cho người có nhu cầu.
Cơ quan chức năng cũng đã làm việc với đại diện đơn vị phân phối thực phẩm chức năng và xác định toàn bộ số sản phẩm nhãn TOCA là giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng…
Tại hội thảo "Thuốc và thực phẩm chức năng giả - hiện trạng và giải pháp" diễn ra vào ngày 22/9 vừa qua, ông Nguyễn Đức Lê - phó cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết trong thời gian vừa qua, trải qua dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến gần đây các mặt hàng như thuốc, thực phẩm chức năng làm giả có xu hướng gia tăng.
Tình trạng sản xuất hàng giả liên tục xảy ra nhiều khu vực trên cả nước, mặt hàng bị làm giả còn có thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... Thậm chí, hàng giả còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã xử lý hơn 1.200 vụ về làm giả chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, tem, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng.
Bà Nguyễn Diệu Hà - tổng thư ký, chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - cũng cho hay trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Trong số các mẫu tân dược bị làm giả đa phần là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền.
Các loại thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Mặc dù nhiều công nghệ chống hàng giả được các công ty dược áp dụng nhưng mang lại hiệu quả không đạt như mong đợi. Thậm chí, công nghệ làm giả đã làm tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, công tác phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm. Các tổ chức, cá nhân, sản xuất kinh doanh vì sự phát triển bền vững của mình, cần đảm bảo các quyền của người tiêu dùng.
Người dân chỉ nên mua các thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cần có sự tư vấn của các bác sĩ khi sử dụng. Thông tin cho các cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn.