Cẩn trọng với các bệnh lý ngoài da khi thời tiết hanh khô

Hồng Ngọc (t/h) 07/11/2022 21:41

PLBĐ - Thời tiết giao mùa, hanh khô khiến số người gặp các bệnh lý về da tăng cao trong những ngày qua. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan và tự ý bôi hay uống các thuốc chữa bệnh viêm da mà không rõ nguồn gốc.

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, những ngày qua cơ sở y tế này tiếp nhận bệnh nhân đến khám đông hơn với các bệnh về da, như viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, da khô, ngứa, chàm, nứt nẻ do lạnh. Không chỉ người lớn, nhiều trẻ em cũng được bố mẹ đưa đến trong tình trạng da khô đỏ, ngứa diện rộng bởi tình trạng viêm da cơ địa. Đặc biệt, nhiều trường hợp đến khám do chăm sóc chưa đúng cách (như tự mua thuốc điều trị, tắm lá) khiến tổn thương da ngày càng trầm trọng.

TS. BS Phạm Thị Mai Hương - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema), là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính, chủ yếu gặp ở trẻ em và có liên quan tới cơ địa dị ứng. Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da. Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện khá sớm, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường, 95% bệnh ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần cho tới khi trưởng thành gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

photo-1667831972401

Cẩn trọng với các bệnh lý ngoài da khi thời tiết hanh khô. (ảnh minh họa)

Theo TS. BS Lê Đức Minh - Trưởng khoa Điều trị Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, để phòng, chống các bệnh về da trong tiết trời hanh khô hiện nay, người dân cần uống đủ nước (từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày) để giúp cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong. Khi trời lạnh, độ ẩm trong không khí thấp, da trở nên khô sần, mất nước nên cần cung cấp nước đầy đủ, kịp thời. Đồng thời tăng cường các loại rau củ, trái cây, chúng không chỉ giúp bổ sung nước mà còn cung cấp vitamin cùng các chất khoáng có lợi cho da. Đặc biệt, vitamin B còn giúp phục hồi những làn da bị khô nẻ, do đó nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B từ thịt gà, cá ngừ, ngũ cốc, các loại đậu, bơ, chuối.

Che chắn cho da cẩn thận khi ra ngoài bằng bôi kem chống nắng. Không nên tắm các loại nước lá, đặc biệt vào mùa đông là nguy cơ tiềm ẩn gây nên viêm da cơ địa. Tắm nước vừa ấm, không tắm nước quá nóng gây khô, nẻ da.

Bác sĩ Minh nhấn mạnh, đối với các bệnh da hay gặp vào mùa đông, việc dưỡng ẩm cho da là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, không phải cứ bôi kem dưỡng ẩm lên da là xong, mà cần phải bôi đúng cách thì da mới giữ được độ ẩm lâu. Cần bôi kem dưỡng ẩm 2 lần/ngày, trong ngày có ít nhất một lần nhằm khóa ẩm cho da.

Một vấn đề nữa cũng cần hết sức lưu ý đó là việc sử dụng các loại thuốc. Thuốc bôi cũng như thuốc uống (trừ mỹ phẩm) đều phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, đặc biệt là bôi ở mặt và các vùng da mỏng. Các thuốc bôi có corticosteroid bôi kéo dài sẽ gây giãn mạch, teo da, phát ban trứng cá... Chính vì vậy, người dân không được tự mua thuốc về sử dụng.

Hồng Ngọc (t/h)