Những lưu ý khi tắm cho trẻ

Thu Thủy (t/h) 05/11/2022 15:32

PLBĐ - Khi giao mùa, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch trong ngày, hoặc giữa các ngày với nhau. Do đó, cha mẹ cần chọn đúng thời điểm để tắm cho trẻ.

Cha mẹ có thể chọn tắm cho trẻ vào một trong hai khoảng thời gian từ 9h30-10h30 buổi sáng, hoặc buổi chiều từ 13h-16h. Đối với trẻ lớn hơn, buổi sáng bố mẹ thường bận bịu và các bé chuẩn bị đi học nên thường tắm buổi chiều sau khi đi học về nhưng cũng không muộn sau 18h.

Cha mẹ không nên tắm cho trẻ vào buổi trưa khoảng 11h-13h, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt… Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2-3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).

Trước khi tắm cho trẻ, cha mẹ, người chăm sóc trẻ nên chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn tắm, khăn bông mềm để lau người sau khi tắm xong. Nên lựa chọn khăn mặt, khăn lau người cho trẻ bằng vải bông mềm để có thể thấm nước nhanh chóng, tránh tình trạng bé bị lạnh vì nước còn lưu lại trên da. Việc chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết sẽ giúp mẹ tiết kiệm thời gian, tránh trường hợp đang tắm cho bé lại phải tìm đồ còn thiếu, hoặc để trẻ chờ đợi sau tắm rất dễ làm con bị lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Phải tắm trong phòng kín gió; có thể mở nước ấm khoảng 37-40 độ C. Cha mẹ nên dùng khuỷu tay hoặc cổ tay của mình để cảm nhận xem nhiệt độ có thích hợp hay không. Trường hợp cha mẹ vẫn chưa chắc chắn được độ ấm của nước thích hợp cho con thì có thể dùng nhiệt kế đặc biệt để kiểm tra.

Những lưu ý khi tắm cho trẻ - Ảnh 1.

Lưu ý về thời gian tắm cho trẻ (ảnh minh họa)

Nên dùng sữa tắm thảo dược cho bé chứa tinh dầu và thảo dược vào nước tắm để giữ ấm đường hô hấp, thông khí và thư giãn, ngăn ngừa cảm lạnh hoặc dùng máy sưởi để phòng ấm áp hơn; rửa mặt cho trẻ bằng một chậu rửa mặt riêng để đảm bảo vệ sinh. Trước tiên gội đầu cho bé, gội xong lấy khăn khô lau khô tóc rồi mới tiếp tục tắm.

Dưới đây là một số trường hợp cha mẹ không nên tắm cho con:

Tắm nước lạnh khi trẻ sốt cao

Đừng nghĩ tắm nước lạnh sẽ làm con hạ sốt, điều này là vô cùng sai lầm. Trái lại, trẻ sẽ dễ nhiễm phong hàn khiến cơn sốt diễn biến nặng hơn. Bên cạnh đó, tắm nước lạnh còn làm trẻ bị ớn lạnh gây co giật, rối loạn huyết quản dẫn đến các hiện tượng xung huyết, khiến máu đến cơ quan nội tạng không đủ, vô cùng nguy hiểm. Không tắm trẻ khi sốt, chỉ tắm sau 48 giờ khi trẻ hạ sốt và bằng nước ấm.

Tắm ngay sau tiêm chủng

Trẻ em từ 1-3 tuổi thường phải tiêm chủng định kì, vùng da xung quanh khu vực tiêm chủng nếu tiếp xúc với nước bẩn sẽ dễ gây các phản ứng phụ như tấy đỏ, sưng đơ, vì thế bố mẹ chỉ nên dùng khăn thấm nước lau sạch cho con trẻ, tránh tắm trẻ sau tiêm để hạn chế nhiễm trùng.

Tắm khi con bị ói mửa, tiêu chảy liên tục

Khi trẻ bị tiêu chảy hay ngộ độc thực phẩm gây ói liên tục, mẹ sẽ tắm cho bé thường để giữ vệ sinh và khử mùi. Điều này không hoàn toàn tốt, có thể khiến trẻ buồn nôn hơn và nhiễm thêm cảm lạnh khi tiếp xúc với nước quá nhiều. Trong trường hợp này, nên để trẻ nằm yên một chỗ nghỉ ngơi, đến khi hết cơn nôn, tiêu chảy hoàn toàn hãy tắm sạch.

Tắm ngay sau khi ăn

Những lưu ý khi tắm cho trẻ - Ảnh 2.

Không nên tắm cho trẻ ngay sau khi ăn. (ảnh minh họa)

Sau khi ăn, dạ dày bé sẽ co giãn liên tục để làm việc, cho bé đi tắm ngay lúc này sẽ làm các mạch máu giãn nở, phân tán lưu lượng lên da nhiều hơn, giảm cung cấp máu cho hệ tiêu hóa, giảm sự hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể. Chỉ nên tắm bé sau khi ăn từ 1-2 tiếng.

Tắm khi da trẻ bị tổn thương

Các trường hợp như bỏng, sưng, lở da...bố mẹ nên hạn chế cho con đi tắm. Vì vết thương trên da có thể trở nặng hơn nếu tiếp xúc với nguồn nước không đủ sạch.

Tắm cho trẻ khi đói

Tắm cho tẻ khi đói, nhất là tắm bằng nước nóng dễ gây hạ huyết áp ở trẻ, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến đột quỵ. Lí do là khi tắm, mạch máu ở da căng lên, cộng với mồ hôi ra nhiều làm lượng tản nhiệt lớn, năng lượng đốt nhanh mà cơ thể đang đói sẽ dễ làm lượng đường trong máu thấp xuống gây chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, tay run.

Tắm đêm

Tắm đêm, dù bằng nước nóng cũng khiến các tĩnh mạch giãn ra, hạ huyết áp, bé bị huyết áp thấp dễ xuất hiện hiện tượng thiếu máu não, nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê.

Sau khi trẻ ngủ dậy hoặc vận động mạnh

Ngoài ra, không tắm khi trẻ vừa tỉnh ngủ bởi khi trẻ ngủ dậy, thân thể trẻ lúc này khá yếu, ngay lập tức đi tắm sẽ làm trẻ giảm thân nhiệt, trẻ không thích ứng kịp dễ bị ốm, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Không nên tắm ngay sau khi vận động, cha mẹ nên chờ nửa tiếng sau khi trẻ vận động, khi trẻ hết mệt và khô hẳn mồ hôi mới đưa trẻ đi tắm. Bởi vì sau khi vận động, lỗ chân lông của trẻ đang mở để thoát mồ hôi, tản nhiệt, chính vì thế, đi tắm ngay sẽ bị ốm...

Thu Thủy (t/h)