Vì sao hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực?
Năm 2023, có hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Thanh tra doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng cho thấy, có doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng, tỷ lệ hợp đồng mất hiệu lực sau năm đầu tiên lên tới 70%.
Việc hợp đồng mất hiệu lực, khách hàng là người thiệt thòi nhất. Thực tế này cũng cho thấy khách hàng ít mặn mà hơn với việc mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT).
Hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực trong năm 2023
“Thủ phạm”: Bảo hiểm bán qua ngân hàng
Bà Bùi Thị Kim Loan (Hà Nội) cho biết, năm 2022 khi tới ngân hàng SCB gửi 100 triệu đồng tiền tiết kiệm, bà được nhân viên tư vấn mời tham gia gói lãi suất cao hơn, được tặng kèm bảo hiểm. Tin lời nhân viên tư vấn, bà Loan ký vào giấy tờ của nhân viên làm thủ tục.
Đến năm 2023, khi lùm xùm bảo hiểm xảy ra, bà Loan tìm lại mới phát hiện mình đã ký hợp đồng bảo hiểm Kiến tạo Thịnh vượng. Do khó khăn, bà Loan đành chấp nhận rút phần đầu tư hơn 60 triệu đồng. Kể từ khi phát hiện mình đã bị dụ (hoặc bị mời và chót) ký mua sản phẩm BHNT, bà Loan nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới Công ty Bảo hiểm nhân thọ M để mong nhận lại số tiền 30 triệu đồng bị chuyển thành phí bảo hiểm nhưng đến nay chưa nhận được.
“Tôi gần 70 tuổi, mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, phải nhập viện liên tục. Mọi thông tin trong tờ khai bảo hiểm (từ thu nhập đến thông tin sức khỏe) đều bị ghi sai. Đây là số tiền tôi dành lo chữa bệnh, dưỡng già. Tôi rất mong nhận lại được số tiền bị chuyển thành hợp đồng BHNT nhưng sau nhiều lần đi lại, chờ đợi khổ sở, Cty bảo hiểm M từ chối với lý do đưa ra là tôi đã tự ký trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và đã qua 21 ngày cân nhắc”, bà Loan chia sẻ.
Hợp đồng của bà Loan đến hạn nộp phí năm thứ 2 vào ngày 20/6/2023. Do không đủ tiền nộp, hợp đồng BHNT của bà Loan mất hiệu lực.
Bà Loan là một trong hàng triệu khách hàng có hợp đồng BHNT bị mất hiệu lực. Theo quy định, sau thời hạn đóng phí, nếu khách hàng không tiếp tục đóng phí, hợp đồng sẽ mất hiệu lực. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, năm 2023 có khoảng hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm rơi vào tình trạng này.
Một trong những lý do khiến số hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực là hợp đồng bảo hiểm bán được bán qua ngân hàng (Bancansurace). Tại kết luận thanh tra, các doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng qua kênh Bancansurace nhiều nhất. Tiêu biểu như tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực sau năm đầu tiên của BIDV Metlife ở mức 39,4%, của MB Ageas 32,4%, của Prudential 41%, của Sunlife từ 39-73% (tùy theo ngân hàng phát hành hợp đồng). Một số doanh nghiệp khác cũng có tỷ lệ hợp đồng mất hiệu lực tương tự mức trên.
Số lượng hợp đồng mất hiệu lực tăng khiến doanh thu phí bảo hiểm liên tiếp giảm từ quý 2/2023 đến nay. Năm 2023, doanh thu phí BHNT gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5%. Gần đây nhất, quý I/2023, doanh thu phí bảo hiểm 53.300 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Hợp đồng BHNT sau 10 năm đóng phí, khách hàng tất toán sẽ nhận lại khoản phí và thường có thêm phần lãi. Tuy nhiên, trong mấy năm đầu hủy hợp đồng, khách hàng sẽ gần như mất toàn bộ số phí đã đóng và là người chịu thiệt nhiều nhất”. Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam |
Khách hàng chịu thiệt nhiều nhất
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến ngày 31/12/2022, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực có trị giá 13,92 triệu đồng. Năm 2023, có thêm 1,91 triệu hợp đồng BHNT cấp mới. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2023, toàn thị trường chỉ có 12,44 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực. Như vậy, riêng năm 2023 đã có khoảng 3,39 triệu hợp đồng BHNT mất hiệu lực.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, số hợp đồng đang còn hiệu lực giảm từ 2 nguyên nhân: hợp đồng đến hạn đáo hạn và số hợp đồng do khách hàng hủy, không đóng tiếp. Khi xảy ra tình trạng hủy hợp đồng lớn, cả doanh nghiệp và khách hàng đều thiệt. Mô hình triển khai BHNT, chi phí khai thác năm đầu lớn để thu phí dài hạn những năm tiếp theo trở nên ít ý nghĩa
“Khi tính phí bảo hiểm, chi phí hoa hồng chiếm tỷ lệ nhất định và trải dài suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp dồn số tiền chi trả cho đại lý trong những năm đầu tiên. Chi phí hoa hồng cho đại lý được hạch toán vào chi phí trả trước”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Nghị định 46/2023 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định việc chi trả thưởng, hỗ trợ cho đại lý phải căn cứ trên tỷ lệ duy trì hợp đồng. Việc này cũng phải đưa vào quy chế của doanh nghiệp bảo hiểm. Quy định này sẽ khiến ràng buộc trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, tránh tình trạng đại lý bằng mọi cách có hợp đồng mới với khách hàng.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2023, sau một vài vụ việc, niềm tin sụt giảm đã khiến nhiều khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, trong 2-3 năm đầu ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng hủy hợp đồng, gần như không nhận lại khoản phí.
“Theo tính toán của cá nhân tôi, hợp đồng BHNT sau 10 năm đóng phí, khách hàng tất toán sẽ nhận lại khoản phí và thường có thêm phần lãi. Tuy nhiên, trong mấy năm đầu hủy hợp đồng, khách hàng sẽ gần như mất toàn bộ số phí đã đóng và là người chịu thiệt nhiều nhất”, ông Dũng cho biết.
Về việc số hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực tăng cao, ông Dũng cho rằng, trong ngắn hạn, khách hàng chịu thiệt. Đối với doanh nghiệp, mất lớn nhất là niềm tin với thị trường. Ông Dũng dẫn ví dụ, một doanh nghiệp BHNT khi khách hàng cung cấp bằng chứng về khiếu nại, họ phải trả tiền cho khách hàng và phần phí trả trước cho đại lý ngân hàng.