Nóng tuần qua: Hé lộ nguyên nhân hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực
Số lượng hợp đồng mất hiệu lực tăng khiến doanh thu phí bảo hiểm liên tiếp giảm từ quý 2/2023 đến nay.
Hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến ngày 31/12/2022, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực có trị giá 13,92 triệu đồng. Năm 2023, có thêm 1,91 triệu hợp đồng BHNT cấp mới. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2023, toàn thị trường chỉ có 12,44 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực. Như vậy, riêng năm 2023 đã có khoảng 3,39 triệu hợp đồng BHNT mất hiệu lực.
Hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực trong năm 2023
Một trong những lý do khiến số hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực là hợp đồng bảo hiểm bán được bán qua ngân hàng (Bancansurace). Tại kết luận thanh tra, các doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng qua kênh Bancansurace nhiều nhất.
Tiêu biểu như tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực sau năm đầu tiên của BIDV Metlife ở mức 39,4%, của MB Ageas 32,4%, của Prudential 41%, của Sunlife từ 39-73% (tùy theo ngân hàng phát hành hợp đồng). Một số doanh nghiệp khác cũng có tỷ lệ hợp đồng mất hiệu lực tương tự mức trên.
Số lượng hợp đồng mất hiệu lực tăng khiến doanh thu phí bảo hiểm liên tiếp giảm từ quý 2/2023 đến nay. Năm 2023, doanh thu phí BHNT gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5%. Gần đây nhất, quý I/2023, doanh thu phí bảo hiểm 53.300 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay chênh lệch giá vàng
Thị trường vàng tuần qua biến động liên tục, có lúc vàng miếng vượt đỉnh lịch sử lên gần 85 triệu đồng, vàng nhẫn chạm 78 triệu đồng một lượng. Chênh lệch với giá thế giới tăng cao, vàng nhẫn trong nước cao hơn từ 5,5-6,5 triệu đồng, còn vàng miếng chênh quanh 13 triệu đồng.
Tại thông báo kết luận của Thủ tướng ngày 11/4, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Nghị định 24/2012, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và sớm có giải pháp bình ổn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu can thiệp kịp thời, xử lý "ngay và luôn" tình trạng chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Việc này nhằm bảo đảm thị trường vàng ổn định, hiệu quả.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan quản lý "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết", khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thanh, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá.
Ngân hàng SCB đóng cửa gần 50 phòng giao dịch ở 9 tỉnh thành
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo, Phòng giao dịch Bạch Mai chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (địa chỉ tầng 2 - 3 nhà số 361 Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chấm dứt hoạt động kể từ ngày 8/4.
Trong tháng 3, SCB cũng đã chấm dứt hoạt động đối với Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh Tân Định (số 261 - 263 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Tân Bình, TPHCM).
SCB đã đóng cửa Phòng giao dịch An Đông Plaza thuộc chi nhánh Sài Gòn đóng tại Trung tâm thương mại An Đông Plaza ở quận 5, TPHCM. Ảnh: Phạm Nguyễn.
Như vậy, kể từ tháng 10/2022 đến nay, SCB đã đóng cửa, dừng hoạt động 47 điểm giao dịch tại 9 tỉnh thành. Trong đó, đóng cửa 33 phòng giao dịch tại TPHCM, 8 phòng giao dịch tại HN, 5 phòng giao dịch tại Đà Nẵng. Các địa phương khác là Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang mỗi địa phương đóng 1 phòng giao dịch.
Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước, trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50. Đến nay, SCB chỉ còn 87 điểm giao dịch trên cả nước.
Ngân hàng tăng lãi suất trở lại
Từ đầu tháng 4 đến nay, đã có 6 nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm, gồm VPBank, SHB, Eximbank, HDBank, MSB và Kienlongbank. Trong đó, cùng với Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục tăng lãi suất huy động lần thứ hai chỉ trong ít ngày.
Theo biểu lãi tiết kiệm mới nhất, VPBank điều chỉnh từ 0,1% đến 0,5% ở tất cả kỳ hạn. Kỳ hạn tăng cao nhất là 12 tháng, từ mức 4,2% lên 4,7% một năm khi gửi tại quầy, và từ 4,3% lên 4,8% khi gửi trực tuyến.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6-36 tháng.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thông báo tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 4 và 5 tháng với mức tăng lần lượt 0,1-0,2 điểm phần trăm. Theo Biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được NCB niêm yết, lãi suất huy động kỳ hạn 4-5 tháng lần lượt tăng lên 3,6-3,7%/năm…
Xu hướng lãi suất bắt đầu có sự phân hóa thay vì giảm đồng loạt như trước. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%. Tuy nhiên, thanh khoản của các ngân hàng vẫn rất dồi dào.