TPBVSK Vạn Xuân Tố Nữ Plus đang được các 'nhà thuốc' thổi phồng công dụng, ngừa cả ung thư
Mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo nhưng sản phẩm TPBVSK Vạn Xuân Tố Nữ Plus vẫn đang được nhiều website, "nhà thuốc" online quảng cáo với nhiều nội dung không đúng, không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏeVạn Xuân Tố Nữ Plus do Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma (ở Mỹ Gia 3-24, Vinhomes Bến Đoan, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm.
Sản phẩm này được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận nội dung quảng cáo, ngày 03/11/2023 là "hỗ trợ giảm các triệu chứng: bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, khô da, nhăn da, nám da do suy giảm nội tiết tố nữ".
Hơn nữa, đầu tháng 4/2024, Cục ATTP công khai cảnh báo người kinh doanh, người tiêu dùng về công dụng thực của sản phẩm TPBVSK Vạn Xuân Tố Nữ Plus. Tuy nhiên, ngày 15/4, ghi nhận của phóng viên, sản phẩm này vẫn được các website quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo với nội dung không đúng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Đơn cử như website http://quaythuocgiadinh.com (Công ty TNHH MeVitalCare Pharma, số 423 Minh Khai, Hoàng Mai, Hà Nội). Theo thông tin trên website này, TPBVSK Vạn Xuân Tố Nữ Plus được khẳng định không những giảm triệu chứng bốc hỏa, mất ngủ, sạm da, yếu sinh lý do suy giảm nội tiết tố nữ, mà còn chống lão hóa, chống chảy xệ, hỗ trợ bổ sung nội tiết tố, tăng cường, phục hồi sinh lý nữ; Hỗ trợ giúp kích thích sự phát triển của tuyến ngực và mô ngực do đó giúp ngực nở và săn chắc tự nhiên.
Tại website https://naturix.vn/ cũng tương tự. Sản phẩm TPBVSK Vạn Xuân Tố Nữ Plus được website này khẳng định có nhiều công dụng vượt trội không đúng với nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, như: "Bổ sung estrogen, tăng cường và phục hồi sinh lý nữ; Dưỡng da trắng sáng từ bên trong, đẩy lùi các vết thâm nám; Ngăn ngừa các tế bào ung thư, tăng sức đề kháng; Giúp kích mọc tóc, điều hoà kinh nguyệt, hỗ trợ hiếm muộn; Giúp kích thích sự phát triển của tuyến ngực và mô ngực do đó giúp ngực nở và săn chắc tự nhiên…".
Trên sàn thương mại điện tử http://thitruongsi.com (thuộc Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ TTS, phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), sản phẩm TPBVSK Vạn Xuân Tố Nữ Plus cũng đang được quảng cáo với nội dung gây hiểu nhầm về công dụng, như: "Ngăn ngừa các tế bào ung thư, hỗ trợ hiếm muộn, kích thích mọc tóc, kích thích sự phát triển của tuyến ngực, mô ngực, giúp ngực nở và săn chắc tự nhiên, giảm mụn nhất là mụn nội tiết…".
Sản phẩm Vạn Xuân Tố Nữ Plus không phải là thuốc và không dùng cho các phụ nữ u xơ tử cung, u vú, phụ nữ có thai, người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, rối loạn tiêu hóa, lạnh bụng… Đặc biệt, người đang sử dụng thuốc tân dược cần phải tham khảo y kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Song, các webiste nói trên đều không đưa ra chú ý hoặc cảnh báo với người tiêu dùng.
Theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Cục ATTP cấp cho Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma, sản phẩm Vạn Xuân Tố Nữ Plus được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất Dược phẩm Công nghệ cao Nanotesla (Điểm công nghiệp Đan Phượng, Đan Phượng, Hà Nội).
Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo.
- Sản phẩm đăng ký nội dung quảng cáo phải có Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
- Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm hoặc Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm còn hiệu lực. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
- Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;
- Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh";
- Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.