6 sai lầm khi uống sữa
Đun sôi sữa tươi, uống sữa khi bụng đói, uống sữa cùng thuốc hay thay nước lọc... là những sai lầm cần tránh.
Sữa tươi phải đun sôi
Với những người uống sữa lâu năm, nhìn chung họ theo đuổi hương vị và hàm lượng dinh dưỡng nên đa số sẽ chọn sữa tươi bảo quản lạnh, thời hạn sử dụng ngắn, đặc biệt nếu đối tượng sử dụng là người già hoặc trẻ nhỏ, sữa thường được làm nóng lên trước khi uống.
Làm nóng sữa thường có nghĩa là làm nóng đến 60-70 độ trong thời gian khoảng 3-5 phút. Hoặc bạn chỉ cầm ngâm nó trong nước ấm. Tuy nhiên, có người lại không cẩn thận, làm nóng sữa quá lâu đến mức sữa sôi lên. Lúc này, protein và vitamin trong sữa sẽ kết tủa cùng photphat, đồng thời chất dinh dưỡng bị mất đi, đường lactose trong sữa cũng dễ bị kết tủa, nếu uống lâu dài không tốt cho sức khỏe. Vì vậy hãy nhớ tránh đun sữa quá lâu.
Uống sữa đá hoặc sữa đông lạnh
Thời điểm mùa hè, thời tiết càng ngày càng nóng, nhiều người dậy sớm cảm thấy nóng và khô nên có thói quen uống sữa đá mát tạo cảm giác thỏa mãn. Và hiện nay trên mạng có một số cách ăn sữa mới lạ, đông lạnh sữa, làm kem sữa...
Thông thường, khi sữa được đông lạnh, một số chất dinh dưỡng bên trong như protein sữa, đường lactose, vitamin và các chất dinh dưỡng khác sẽ đông đặc lại... Nếu tiêu thụ sữa vào thời điểm này, một số chất dinh dưỡng bên trong không những không thể hấp thụ mà còn bị phân hủy bởi cơ thể con người, làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngay cả khi được tiêu thụ sau khi rã đông, protein trong sữa sẽ bị biến tính, làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa.
Uống sữa như uống nước
Một số người thường cho rằng sữa rất giàu dinh dưỡng nên uống càng nhiều càng tốt , thậm chí có khi cả ngày họ không uống nước mà uống sữa như nước lọc.
Trong trường hợp bình thường, người lớn nên tiêu thụ 300 g sữa mỗi ngày. Đối với những người đang trong độ tuổi trưởng thành như trẻ vị thành niên, người già, phụ nữ mang thai... nên uống 250 ml vào buổi sáng và buổi tối. Sữa là sản phẩm dinh dưỡng rất tốt nhưng cũng cần có mức độ nhất định, uống quá nhiều hoặc uống sữa như nước dễ gây suy dinh dưỡng, khó tiêu hóa và hấp thu.
Uống sữa với thuốc
Nhiều người đôi khi uống thuốc cùng sữa vì cảm thấy dù sao nó cũng là chất lỏng, có thể thay thế được nước lọc. Tuy nhiên, điều đó là một sai lầm lớn.
Sữa thường chứa lượng lớn canxi, dễ phản ứng với một số thành phần trong thuốc tạo thành chất kết tủa. Điều này không có lợi cho việc tiêu hóa và hấp thu đồng thời sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Trong trường hợp bình thường, sau khi uống thuốc với nước lọc, tốt nhất nên chờ khoảng hai tiếng rồi mới uống sữa.
Cố uống sữa khi không dung nạp lactose
Một số người luôn bị đầy hơi sau khi uống sữa, thậm chí còn có các triệu chứng nghiêm trọng như tiêu chảy, nguyên nhân thực ra là chứng không dung nạp lactose. Lúc này, bạn không nên ép bản thân phải uống sữa. Hoặc bạn có thể uống ít hơn một chút mỗi lần và tăng dần lên.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có một loại sữa dành riêng cho người không dung nạp lactose. Phần lớn lactose có trong những loại sữa này bị phân hủy thành glucose và galactose, dễ hấp thu nên con người không có các phản ứng như chướng bụng, tiêu chảy... khi uống sữa.
Uống sữa khi bụng đói
Một số người bận rộn, không có nhiều thời gian rảnh để ăn sáng nên hình thành thói quen uống sữa trực tiếp mà không ăn gì sau khi thức dậy. Nhưng nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng bất lợi. Điều này chủ yếu là do nếu uống sữa khi bụng đói, axit dạ dày dư thừa trong cơ thể sau một đêm sẽ gây biến tính và kết tủa protein, uống sữa sẽ khiến dạ dày khó tiêu hóa và hấp thu, lâu dài có thể dẫn đến chứng khó tiêu. Ngoài ra, do không ăn gì khi dậy sớm nên sữa sẽ lưu lại trong dạ dày trong thời gian ngắn hơn, tỷ lệ hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ thấp hơn.
Vì vậy, ngay cả khi không có nhiều thời gian, bạn nên uống sữa với một ít bánh mì, bánh bao, ngô hoặc bột yến mạch. Bằng cách này, sau khi uống sữa, sữa sẽ lưu lại trong dạ dày lâu hơn, thuận lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hướng Dương (Theo Sohu)