Những phiên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm như đứt phanh
Trước phiên lao dốc giảm điểm như đứt phanh ngày 15/4, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có hàng chục phiên giảm điểm mạnh trong 3 năm gần nhất.
Cùng với đà giảm của chỉ số chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch ngày 15/4, kết phiên chỉ số VN-Index giảm 59,99 điểm (4,7%) để đóng cửa ở mức 1.216,61 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 4,82%, tương đương 11,62 điểm, còn 229,71 điểm. Upcom-Index giảm 2,44%, tương đương 2,23 điểm, còn 88,98 điểm. Tổng giá trị giao dịch tam sàn đạt hơn 38,2 nghìn tỷ đồng.
Phiên lao dốc như đứt phanh hôm 15/4 khiến nhiều “chứng sĩ” choáng váng khi toàn sàn HoSE có 475 mã giảm, trong đó có đến 112 mã giảm sàn. Nếu tính cả ba sàn, có 158 mã giảm kịch sàn.
Thống kê cho thấy, trong 3 năm gần nhất (từ 16/4/2021 – 15/4/2024) thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 26 phiên giảm trên 35 điểm và có tới 16 phiên giảm mạnh từ 40 điểm trở lên. Chuỗi phiên lao dốc trên 40 điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian này bắt đầu từ 22/4 khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 40,46 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 20.663 tỷ đồng. Đến tháng 7 và tháng 8/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến thêm 4 phiên giảm trên 40 điểm nữa vào các phiên 6/7 ghi nhận mức giảm 56,34 điểm, phiên 12/7 ghi nhận giảm 50,84 điểm, phiên 19/7 giảm 55,80 điểm và phiên 20/8 ghi nhận mức giảm 45,42 điểm. Trong đó, thanh khoản phiên giao dịch ngày 20/8 lên tới 38.349 tỷ đồng.
Những phiên lao dốc như đứt phanh của thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến 8 phiên giao dịch giảm từ 40 điểm trở lên. Trong đó, phiên giảm điểm mạnh đầu tiên diễn ra vào ngày 17/1 với mức giảm 43,18 điểm với tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt 31.245 tỷ đồng. Hơn 3 tháng sau đó, trong phiên giao dịch ngày 25/4, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tới 68,31 điểm cùng thanh khoản đạt 21.945 tỷ đồng.
Trong tháng 5/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tới 3 phiên giảm từ 50 điểm trở lên bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 9/5 với mức giảm 59,64 điểm, phiên giao dịch 12/5 ghi nhận giảm 62,69 điểm và phiên giao dịch ngày 13/5 tiếp tục ghi nhận mức giảm 56,07 điểm.
Đến tháng 6/2022, chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận một phiên giao dịch giảm sâu tới 57,04 điểm vào ngày 3/6 với thanh khoản thị trường đạt 18.523 tỷ đồng. Phải đến tháng 10/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam mới một lần nữa ghi nhận thêm một phiên giao dịch giảm trên 40 điểm diễn ra vào ngày 3/10 với mức giảm 45,67 điểm. Dù ghi nhận giảm sâu nhưng tổng giá trị giao dịch sàn HoSE trong phiên này chỉ đạt 11.525 tỷ đồng.
Phiên giảm mạnh cuối cùng trong năm 2022 đến vào ngày 6/12 với mức giảm 44,98 điểm cùng thanh khoản sàn HoSE đạt 23.533 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận 2 phiên giao dịch ghi nhận mức giảm từ 40 điểm trở lên diễn ra vào ngày 18/8 với mức giảm 55,49 điểm cùng thanh khoản đạt 36.145 tỷ đồng và phiên giao dịch ngày 26/10 ghi nhận mức giảm 46,21 điểm cùng thanh khoản 23.244 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau phiên lao dốc như đứt phanh giảm tới 59,99 điểm của chỉ số chính thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 15/4, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 16/4, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm về vùng 1.200-1.210 điểm. Tại đây, trạng thái bán quá mức của thị trường có thể sẽ thúc đấy lực mua bắt đáy ở vùng giá thấp. Khi đó, có khả năng VN-Index sẽ hồi phục lại về phía cuối ngày hoặc ở trong phiên sau đó để kiểm định lại vùng hỗ trợ vừa đánh mất tại 1.235-1.245 điểm. Tuy nhiên, nếu lực bán còn mạnh khiến VN-Index vi phạm mốc 1.200 điểm, chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh về đường MA200 quanh 1.175 điểm.
Các chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư cần tranh thủ những phiên hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu, hạ margin, gia tăng tiền mặt, đồng thời duy trì tâm lý phòng thủ toàn diện.