Từ thảm kịch giẫm đạp ở Hàn Quốc: Làm sao để an toàn trong đám đông hoảng loạn?

31/10/2022 09:52

PLBĐ - Thảm kịch xảy ra trong sự kiện Halloween ở khu phố Itaewon (Thủ đô Seoul, Hàn Quốc) là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ giẫm đạp gây chết người xảy ra trên thế giới trong những năm gần đây. Vậy nếu rơi vào đám đông hoảng loạn, bạn cần làm gì để sống sót và thoát khỏi tình huống này?

Nhiều vụ giẫm đạp gây thương vong lớn trên thế giới

Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc cho biết, số người chết trong vụ giẫm đạp tại một lễ hội Halloween đêm 29/10 tại phố Itaewon hiện là 154 người. Đã có ít nhất 26 công dân nước ngoài thiệt mạng trong thảm kịch này. Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc cũng cho biết họ đang thực hiện tất cả các biện pháp để hỗ trợ, lo hậu sự cho những người nước ngoài thiệt mạng trong thảm họa như cho phép người thân nhập cảnh vào Hàn Quốc và giúp tổ chức tang lễ.

CNN đưa tin, những người này đến từ 14 quốc gia. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết 15 người nước ngoài khác bị thương trong vụ việc. Hầu hết người này đã được về nhà, nhưng có 6 người vẫn đang phải điều trị.

Vụ giẫm đạp chết người nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã xảy ra vào tối 29/10 tại một con hẻm hẹp, rộng 4m gần khách sạn Hamilton ở khu giải trí về đêm sầm uất nhất trên phố Itaewon. Đây là sự kiện Halloween đầu tiên ở thủ đô Seoul được dỡ bỏ các hạn chế COVID-19. Khoảng 100.000 người đã đổ về phố Itaewon vào tối 29/10. Cảnh sát Hàn Quốc đang tiếp tục điều tra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn.

Trong cuộc họp khẩn cấp vào trưa 30/10, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nói đã chỉ định quận Yongsan là "vùng thảm họa đặc biệt" và sẽ trợ cấp cho những người bị thương cùng gia đình nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố quốc tang từ ngày 30/10 tới 5/11. Ông gọi vụ giẫm đạp là thảm họa đáng lẽ không nên xảy ra, đặc biệt ngay giữa trung tâm thủ đô Seoul.

Vụ giẫm đạp này được xem là thảm kịch tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ sau vụ chìm phà Sewol năm 2014. Sự cố chìm phà thời điểm đó khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.

Từ thảm kịch giẫm đạp ở Hàn Quốc: Làm sao để thoát khỏi đám đông hoảng loạn? - Ảnh 1.

Đám đông hỗn hoạn trong đêm 29/10 tại Itaewon.

Trước đó, trên thế giới từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp khiến hàng trăm người thương vong trong các sự kiện tập trung đông người. Cụ thể, tối ngày 1/10 vừa qua, trong một trận bóng đá ở Indonesia, do đội chủ nhà bị thua sau 23 năm bất bại trên sân nhà, khán giả đã tràn vào sân yêu cầu ban huấn luyện giải thích lý do. Lúc này, cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán khiến đám đông mất kiểm soát và việc giẫm đạp, xô đẩy xảy ra khiến 131 người chết. Kết quả pháp y cho thấy họ chủ yếu chết ngạt vì thiếu oxy. Theo kết luận của cơ quan điều tra, khi thảm họa xảy ra, các nhân viên an ninh làm việc tại sân vận động đã không có ý thức được việc hơi cay bị cấm sử dụng tại các trận thi đấu bóng đá và đã dùng những biện pháp quá mức.

Ngày 30/4/2021, một đám đông hành hương trong kỳ nghỉ lễ của người Do Thái từ Lag Ba'omer đến Núi Meron ở miền bắc Israel đã giẫm đạp lên nhau, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.

Tại Saudi Arabia, thảm họa kinh hoàng xảy ra ở Thánh địa Mecca vào năm 1990, khiến 1.426 người hành hương chết vì ngạt thở. Vào ngày 24/9/2015, lịch sử lặp lại với những người hành hương ở khu vực Mina, cách thánh địa Mecca 5km về phía đông, làm chết ít nhất 2.070 người.


Ngày 22/11/2010, ngày cuối cùng trong 3 ngày lễ hội té nước truyền thống của Campuchia, khoảng 3 triệu người từ khắp nơi đổ về Phnom Penh để xem cuộc đua thuyền rồng tổ chức trên sông Tonle Sap trước Cung điện Hoàng gia và những nơi như Đảo Kim Cương ở Phnom Penh. Do quá đông khách du lịch, một cây cầu trên Đảo Kim Cương bị rung lắc khiến người dân hoảng loạn, hậu quả khiến 456 người thiệt mạng.

3 nguyên nhân chính dẫn đến tử vong trong thảm họa giẫm đạp

Khi khảo sát nguyên nhân tử vong của những nạn nhân trong những vụ đám đông hoảng loạn, các chuyên gia xác định 3 nguyên nhân chính sau đây:

- Chết vì ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu).

- Chết vì bị chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau).

- Chết vì bị giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người).

Cần làm gì để gì để sống sót trong thảm họa giẫm đạp?

Chia sẻ trên báo Chính phủ, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết một đám đông gọi là nguy hiểm khi có bất kì dấu hiệu nào sau đây, nên cần phải tránh xa hoặc thoát ra ngay lập tức nếu không muốn bị mất mạng. Đó là không có sự tổ chức; nhiều hơn 4 người trên 1m2; cảm thấy có những người khác ép vào mình.

Khi bước vào một đám đông, điều quan trọng là phải quan sát lối thoát, đánh giá sự an toàn. Trường hợp đang ở trong đám đông nguy hiểm, thì cần phải nắm được một số nguyên tắc căn bản, để bảo vệ bản thân mình an toàn. Đó là không di chuyển ngược chiều đám đông bởi rất dễ bị xô ngã xuống đất, khi đó sẽ bị giẫm đạp và có thể bị chấn thương nguy hiểm.

Ngoài ra, luôn giữ cho đôi chân của mình thật vững. Thấy đám đông nguy hiểm, thì dù có bị tuột giày dép, cũng không được nhấc một chân lên hoặc cúi xuống để buộc dây vì làm như vậy sẽ bị xô ngã. Khi đám đông tiến về phía mình thì phải tránh xa nhưng không được chạy, vì vụ đám bị vấp ngã.

Từ thảm kịch giẫm đạp ở Hàn Quốc: Làm sao để an toàn trong đám đông hoảng loạn? - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Theo bác sĩ Phúc, việc di chuyển trong đám đông nguy hiểm cần giảm lực tác động. Cụ thể, có trên 2 người di chuyển ngược hướng áp sát mình,thì ngay lập tức xoay ngang người, đưa tay phía trước ép ngang ngực vuông góc, căn chỉnh khuỷu tay hướng phía trước. Làm như vậy sẽ giúp giảm diện tích tiếp xúc cơ thể, khuỷu tay giữ khoảng cách giữa mọi người và phân tán tác động của dòng người sang hai bên, chống lại lực đẩy của đám đông, bảo vệ khoang ngực, giảm áp lực, giảm căng thẳng bề mặt cơ thể, tránh bị xô ngã một cách hiệu quả.

Một trong những điều cần làm khi ở trong đám đông nguy hiểm, theo bác sĩ Phúc đó là tạo khung xương khi bị xô ngã mà không đứng dậy được. Các nghiên cứu cho thấy những trường hợp tử vong rất hiếm khi bị gãy xương sườn và xương khác. Điều này có nghĩa rằng cơ thể con người có khung xương khá chắc, khi bị ngã cần biết cách bảo vệ bản thân khi bị đám đông giẫm đạp.

Cụ thể, ngay sau khi ngã không thể đứng dậy được, cần nhanh chóng thu mình lại giống như thai nhi trong bụng mẹ, xoay người nằm nghiêng, hai tay ôm lấy đầu, đùi gấp vào bụng ngực, hai cẳng chân áp sát vào đùi. Lưu ý, khuỷu tay và đầu gối chạm nhau, tạo thành một tam giác để có không khí thở, đồng thời tam giác cơ thể cũng tạo nên sự vững chắc bảo vệ nội tạng. Nếu ở sát tường là tốt nhất, nhưng trong tình huống đó thì thay vì nằm nghiêng hãy quỳ sẽ an toàn hơn vì có nhiều hơn các tam giác khung xương bảo vệ bản thân. Trường hợp không quỳ được thì giữ tư thế nằm nghiêng nhưng quay mặt vào tường.

Thanh Hải (th)