Thủ khoa đại học thành kẻ lang thang, nhặt rác kiếm sống
Từng được ngưỡng mộ vì giỏi giang, Yao Yuan trở nên bất mãn vì liên tục thất bại trong công việc và cuối cùng phải lang thang kiếm sống qua ngày.
Năm 2020, khi tới một tòa nhà sắp bị dỡ bỏ ở Thượng Hải, cảnh sát tìm thấy một người đàn ông vô gia cư nhếch nhác, rách rưới sống trong khu vực tầng hầm ngập rác thải. Khi được hỏi tên và quê quán, anh ta trò chuyện không mạch lạc, vẻ mặt đầy hoảng sợ và bối rối.
Cảnh sát sau đó đưa người đàn ông vô gia cư về đồn để xác minh thông tin và phát hiện ra anh này tên Yao Yuan, từng là học giả khoa học hàng đầu của tỉnh Hồ Bắc và được nhận vào Viện Công nghệ Bắc Kinh. Thời điểm đó, Yao Yuan đã sống vô gia cư được 12 năm. Tuy mới 49 tuổi, Yao già nua như ông lão 70, 80 tuổi.
Theo Sohu, Yao Yuan sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở tỉnh Hồ Bắc vào năm 1971. Từ bé, Yao đã bộc lộ tố chất trong học tập, trở thành cậu học sinh ưu tú trong mắt giáo viên, là niềm tự hào của cha mẹ.
Vốn là người khiêm tốn và thận trọng nhưng sau một thời gian luôn được ngưỡng mộ và khen ngợi, Yao dần hình thành cảm giác ưu việt, tin rằng sự tồn tại của mình nổi bật nhất trong đám đông. Cảm giác ưu việt này là nguyên nhân chính dẫn đến bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh sau này. Nhưng Yao Yuan đã không nhận ra điều đó.
Năm 1990, Yao Yuan trở thành thủ khoa của tỉnh Hồ Bắc khi đỗ Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Thời điểm đó, rất ít người ở nông thôn có thể đỗ đại học, trong khi Yao đỗ một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh với số điểm cao. Cha mẹ anh rất vui và thậm chí còn tổ chức tiệc mừng.
Khi bước đại học, Yao Yuan vội vã đến Bắc Kinh với thư nhập học và hành lý, tràn đầy kỳ vọng vào cuộc sống của một tân sinh viên. Tuy nhiên, đây là cũng là thời điểm tâm lý của anh liên tục bị ảnh hưởng. Anh nhận ra ngoài kia còn rất nhiều người giỏi giang, ưu tú hơn mình.
Ở môi trường mới, Yao Yuan không còn sống trong cảm giác được bạn cùng lớp ngưỡng mộ, cũng không được thầy cô khen ngợi. Yao cảm thấy thất vọng về bản thân, điều mà trước nay anh chưa từng trải qua. Vì không muốn bị tụt lại phía sau người khác, Yao lại càng tự động viên bản thân phải cố gắng học tập chăm chỉ hơn nữa.
Cuộc sống đại học của Yao Yuan căng thẳng hơn cả thời trung học. Và sự chăm chỉ của Yao Yuan ở giảng đường không phải vô ích. Tốt nghiệp xong, trong khi nhiều bạn cùng lớp đang chạy đua tìm việc làm, Yao Yuan được nhận vào làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Quân sự Trung Quốc với mức lương tốt. Cha mẹ Yao Yuan rất vui mừng khi con trai, người họ đã vất vả nuôi dạy, cuối cùng cũng thành công.
Tuy nhiên, khi bước vào môi trường công sở, Yao phải đối mặt với sự cạnh tranh chưa từng có. Anh thường xuyên phải làm việc ngoài giờ để khiến bản thân trở nên nổi bật hơn. Do áp lực công việc kéo dài và thường xuyên thức khuya nên khả năng tập trung và sức lực của anh đều kém đi rất nhiều so với trước đây.
Sau 9 năm vật lộn, Yao quyết định từ bỏ công việc ở tập đoàn quân sự và đến Thượng Hải để tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, Yao có lẽ không ngờ rằng điều chờ đợi anh phía trước không phải là sự tỏa sáng mà là cảm giác tiếp tục gặp thất bại.
Ở một mức độ nhất định, áp lực cạnh tranh việc làm ở Thượng Hải lớn hơn ở Bắc Kinh. Trong khi Yao Yuan tự hào về kinh nghiệm làm việc 9 năm và từng tốt nghiệp một ngôi trường danh giá, thành tích đó lại không có gì đáng ngạc nhiên ở một nơi đông đúc, đầy áp lực như Thượng Hải.
Yao Yuan nộp hồ sơ xin phỏng vấn hết công ty này đến công ty khác, nhưng các công ty anh quan tâm đều cần những người có kinh nghiệm du học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường danh tiếng. Trong lúc tuyệt vọng, cộng áp lực cuộc sống khiến Yao Yuan phải chấp nhận một công việc không như ý.
Trong vài năm tiếp theo, Yao Yuan không làm việc ổn định ở một nơi mà thường xuyên thay đổi công việc, đổi công ty. Năm 2008, Yao lại từ chức và lên kế hoạch tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, đây là thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính, nhiều công ty lớn sa thải nhân viên, trong khi các công ty nhỏ phải đóng cửa hoặc không dám tuyển thêm người.
Yao chọn ứng tuyển vào những công ty nổi tiếng. Tuy nhiên, đó lại là nơi có rất nhiều đối thủ xuất sắc và cơ hội trúng tuyển không dễ dàng. Sau rất nhiều lần bị từ chối, Yao Yuan - người từng nuôi dưỡng tham vọng lớn lao - dần bỏ cuộc, quyết định để mình trôi theo đám đông. Yao cắt đứt liên lạc với gia đình và bạn bè, bắt đầu sống lang thang trên đường phố. Anh không sử dụng bất kỳ thiết bị liên lạc hay thẻ ngân hàng nào. Lúc đói, anh lục lọi thùng rác và ăn những thứ người ta đã vứt bỏ. Đến tối, khi muốn ngủ, anh cuộn tròn trong tầng hầm của căn nhà bỏ hoang.
Do không liên lạc được, bố mẹ Yao đến Thượng Hải để tìm con. Cặp vợ chồng vượt cả nghìn km dặm đến Thượng Hải để hỏi thăm công ty và bạn bè của Yao Yuan, nhưng không tìm được thông tin gì. Họ cũng nhờ cảnh sát giúp đỡ, nhưng họ không tìm thấy manh mối nào của con trai. Dù biết sẽ rất khó, bố mẹ Yao vẫn không từ bỏ hy vọng tìm thấy anh. Họ dán thông báo tìm người mất tích khắp nơi, chờ đợi tin tức về con trai trong cuộc đấu tranh giữa tuyệt vọng và may mắn.
Thời điểm năm 2020, sau khi xác định được danh tính của người đàn ông vô gia cư, cảnh sát nhanh chóng liên lạc với bố mẹ Yao Yuan. Chứng kiến con trai già nua, rách rưới không chỗ ở, bố mẹ Yao nói họ rất đau lòng và hối hận.
Do Yao Yuan có một số vấn đề về tâm lý nên bố mẹ đã đưa anh đến bệnh viện tâm thần thăm khám. Sau một thời gian điều trị, Yao cuối cùng cũng lấy lại được sự tỉnh táo. Khi bố mẹ hỏi tại sao, Yao Yuan mới nói ra sự thật, rằng sau khi đến Thượng Hải, anh liên tục phỏng vấn xin việc thất bại, mất phương hướng trong cuộc sống và đi lang thang, nhặt rác kiếm sống qua ngày.
Thực tế xã hội hiện nay, có những người không có bằng cấp, học vấn cao nhưng vẫn trở thành ông chủ, kiếm được nhiều tiền. Cũng có những người thông minh, học cao, hiểu biết rộng nhưng chỉ làm những công việc bình thường, mức thu nhập trung bình và ổn định. Theo các chuyên gia, khi giáo dục con cái, cha mẹ phải đưa ra những hướng dẫn đúng đắn cho con rằng việc vào đại học, tới những thành phố lớn và làm việc thật chăm chỉ không đồng nghĩa họ sẽ chắc chắn thành công. Việc xác định tư tưởng này quan trọng, giúp họ trở nên thực tế hơn và không quá tự kiêu vào bản thân. Ngoài ra, khi không tìm được hướng đi cho tương lai, đừng một mình gánh vác mọi việc mà nên kịp thời bàn bạc với bố mẹ, bạn bè để có sự lựa chọn, định hướng phù hợp nhất.
Hướng Dương (Theo Sohu)