Tại sao người xưa nói 'tre trúc nở hoa là tai ương sắp tới'?
Thời đại khoa học, không ai tin câu "Tùng nở hoa nhà phát tài, trúc trổ bông tai ương tới"; câu nói này của người xưa xuất phát từ đặc điểm sinh học của cây tre.
Tre là một loài cây quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam, thường được trồng ở đầu làng, quanh nhà tại các vùng nông thôn.
Trong thiết kế nhà cửa hiện đại, nhiều người còn đem cây tre về trồng tại sân vườn để tạo điểm nhất đặc biệt cho cảnh quan. Cây tre thuộc nhóm rễ chùm, thân gỗ rỗng ruột, thân có màu xanh, chia thành nhiều đốt.
Đây là loài thực vật bản địa châu Á, tập trung nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, phía bắc Việt Nam.
Tại sao nói tre trúc nở hoa là tai ương sắp tới?
Tre trúc là loại cây mang tính biểu tượng trong văn hoá Việt, là dấu hiệu tốt lành về phong thuỷ, biểu trưng của tính cách ngay thẳng, kiên định của người quân tử cũng như sức sống mãnh liệt, ý chí mạnh mẽ bền bỉ của con người nói chung. Đây là loài cây phát triển mạnh cả trên đất đai cằn cỗi, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.
Vậy tại sao người xưa lại có câu: "Tùng nở hoa nhà phát tài, trúc trổ bông tai ương tới"?
Tại sao người xưa nói 'tre trúc nở hoa là tai ương sắp tới'? (Ảnh: Dreamstime)
Đương nhiên, con người thời hiện đại ai cũng biết điều này không đúng. Đúc kết xưa của người xưa không dựa trên thực tế thịnh suy của cuộc sống mà là từ đặc điểm sinh học của loại cây này.
Mặc dù tre có mặt ở nhiều nơi nhưng con người có ít cơ hội nhìn thấy hoa tre. Tre sống rất lâu, vòng đời từ khoảng 40 đến 80 năm và luôn sống khỏe. Chúng ra hoa vào giai đoạn cuối vòng đời. Hoa sẽ kết thành quả và sau đó cây chết dần.
Vì tre trong một khoảng rừng thường mọc từ một số cây tre nên dễ xảy ra hiện tượng tre chết hàng loạt ở một khu vực rộng.
Như vậy, hoa nở là dấu hiệu cây tre sắp đi đến điểm cuối cuộc đời, vì thế tre ra hoa bị coi là điềm gở. Đó là nguyên nhân tại sao người xưa nói "tre trúc nở hoa là tai ương sắp tới".
Ngoài ra, việc tre trúc nở hoa đồng loạt cũng thu hút những loài gặm nhấm, những con vật phá hoại kho lương thực, phá hoại nhiều loại cây trồng khác, gây nên nạn đói, dịch bệnh, khiến người xưa nhầm tưởng rằng hoa tre nở mang đến điềm xấu và tai họa.
Một số cây cảnh dễ tàn lụi khi ra hoa
Không chỉ tre trúc, một số loài cây khác cũng không phát triển tươi tốt mà dễ bị tàn lụi sau khi ra hoa.
Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ rất hiếm khi nở hoa, ít nhất phải mất tới 5 năm mới có thể ra hoa. Hoa lưỡi hổ không đẹp và càng để lâu càng có mùi nồng khó chịu. Loài hoa này còn chảy ra chất nhầy rất khó làm sạch khi rơi xuống chậu cây hoặc sàn nhà.
Quá trình lưỡi hổ ra hoa cũng hút đi phần lớn dinh dưỡng của cây, khiến cây còi cọc. Do đó, khi lưỡi hổ nở hoa, bạn nên cắt hoa đi và chăm sóc cây để nó xanh tốt trở lại.
Cây sen đá
Sen đá khá dễ trồng, thích nghi với mọi loại khí hậu, mọi địa hình và sống quanh năm. Loại cây này được trồng để ngắm lá nhưng vẫn có khả năng ra hoa. Tuy nhiên, hoa sen đá không đẹp và tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng, khiến cây nhanh héo mòn, thậm chí dẫn đến chết khô.
Cỏ đồng tiền
Cỏ đồng tiền là loại cây cảnh chủ yếu để ngắm lá. Trong phong thủy, đây là loài cây có ý nghĩa tốt lành, ngụ ý giúp gia chủ chiêu tài đón lộc, vạn sự hanh thông. Do đó nó được nhiều người ưa chuộng, đặt trong nhà hoặc trên bàn làm việc.
Lá cỏ đồng tiền càng xanh mướt, to tròn thì chậu cây càng đẹp, càng có giá trị. Cũng như nhiều loại cây khác, cỏ đồng tiền có thể ra hoa. Hoa mọc thành từng cụm nhỏ như hạt kê và sẽ khiến cây hao tổn nhiều chất dinh dưỡng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển và ngày càng xấu xí, yếu ớt.
Vì vậy, nếu cỏ đồng tiền ra hoa, bạn nên kiên nhẫn loại bỏ từng cành một. Nếu cây mọc quá nhiều hoa, bạn nên “cạo trọc” nó rồi chăm bón lại từ đầu.
Rất nhiều loại cây trở nên còi cọc, yếu ớt, thậm chí tàn lụi sau khi ra hoa và điều này thuận theo tự nhiên, không liên quan đến chuyện may rủi, do đó bạn không cần băn khoăn về câu nói của người xưa "tre trúc nở hoa là tai ương sắp tới".
Theo VTC