8 loại thực phẩm nên ăn để giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng khi giao mùa
Bệnh viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Thay đổi thói quen sinh hoạt và bổ sung một số loại thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế được những khó chịu, nhất là trong thời tiết giao mùa.
Viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam với tỷ lệ bệnh nhân mắc chiếm từ 10 -15% dân số. Trong các bệnh lý về tai mũi họng, bệnh viêm mũi dị ứng chiếm tới hơn 30%.
Viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam với tỷ lệ bệnh nhân mắc chiếm từ 10 -15% dân số. Trong các bệnh lý về tai mũi họng, bệnh viêm mũi dị ứng chiếm tới hơn 30%.
Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, ô nhiễm môi trường, thói quen sinh hoạt không khoa học, vệ sinh tai mũi họng không đúng cách nên số người mắc viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng.
1. Biểu hiện của viêm mũi dị ứng
Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ, dị ứng xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài. Khi cơ thể gặp phải chất gây dị ứng chẳng hạn như phấn hoa, bụi hoặc lông động vật sẽ kích hoạt các tế bào cụ thể được gọi là tế bào mast, giải phóng các hóa chất như histamin gây các triệu chứng viêm khó chịu của dị ứng như sưng mũi, mắt và họng.
Người mắc viêm mũi dị ứng sẽ có các biểu hiện như hắt hơi liên tục, ngứa mũi, chảy nước mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa họng, ho, có thể ngứa trên da, đau đầu thường xuyên, phát ban, mệt mỏi,…
Các lựa chọn điều trị cho viêm mũi dị ứng cũng như với các bệnh dị ứng thông thường có thể dùng thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc nhỏ mắt và nhỏ/xịt mũi giúp giảm ngứa và các triệu chứng dị ứng khác.
Viêm mũi dị ứng chủ yếu do tác nhân gây dị ứng tác động và cơ thể phản ứng gây ra các triệu chứng. Do đó, để tránh nguy cơ mắc bệnh, bạn nên tránh hoàn toàn hoặc hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, bụi, khói, hóa chất, xăng dầu,… Vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường để tránh các dị nguyên như khói bụi, phấn hoa,…
2. 8 loại thực phẩm có thể giúp xoa dịu triệu chứng viêm mũi dị ứng
Chế độ ăn cũng rất quan trọng giúp bạn hạn chế được những khó chịu của căn bệnh này. Robin Foroutan, chuyên gia dinh dưỡng và phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và chế độ ăn kiêng cho biết, để cải thiện tình trạng dị ứng, bạn có thể tiêu thụ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể ổn định các tế bào mast.
Hạn chế những loại thực phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng (đậu phộng, động vật có vỏ, sữa),… Nên tăng cường các loại thực phẩm dưới đây để giúp làm dịu dị ứng do phấn hoa và các tác nhân môi trường khác do đặc tính chống viêm vàkháng histaminelàm dịu của chúng.
2.1 Gừng
Gừng chứa các hợp chất chống viêm.
Gừng và các chất chiết xuất của nó được biết đến với tác dụng chữa bệnh bao gồm chống buồn nôn, giảm đau và chống viêm. Do đặc tính chống viêm nên nó cũng có thể chống lại dị ứng.
2.2 Nghệ
Nghệ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe nhờ vào đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Nghệ là một loại gia vị có khả năng giảm viêm. Thành phần của nghệ là curcumin, có đặc tính chống viêm và chống dị ứng là do ức chế giải phóng histamine từ các tế bào mast.
2.3 Thực phẩm giàu vitamin C
Các loại rau xanh và trái cây giàu vitamin C.
Vitamin C đã được chứng minh là hoạt động như một chất ức chế trực tiếp các tế bào viêm giải phóng histamine. Ngoài ra, nó có thể giúp phá vỡ histamine đã được tiết ra, giúp giảm các triệu chứng dị ứng. Vitamin C cũng là mộtchất chống oxy hóa, có nghĩa là nó chống lại phản ứng dị ứng do viêm.
Tiến sĩ Galowitz - một nhà dị ứng/nhà miễn dịch học tại ENT & Allergy Associates ở Somerset, New Jersey cho biết:Người bị viêm mũi dị ứng nên ăn ớt chuông, cải Brussels và bông cải xanh, những loại này chứa nhiều vitamin C hơn cam quýt, các lựa chọn tốt khác bao gồm súp lơ, bắp cải và cải xoăn. Một số loại trái cây giàu vitamin C bao gồm dâu tây, kiwi, đu đủ, xoài và bưởi hồng...
2.4 Cà chua
Cà chua cũng chứa nhiều vitamin C. Cà chua cũng chứa lycopene, một hợp chất chống oxy hóa khác giúp giảm viêm. Lycopene cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm màu đỏ và hồng khác như dưa hấu và bưởi hồng.
2.5 Thực phẩm giàu probiotics
Probiotic là những vi khuẩn có lợi sống trong ruột của bạn có cả tác dụng chống viêm và chống dị ứng. Các loại thực phẩm chứa nhiều probiotic như sữa chua, kefir, dưa cải bắp và kim chi đều là những nguồn cung cấpmen vi sinhtốt.
Một nghiên cứu của Italy cho thấy trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi bị viêm mũi dị ứng uống sữa lên men có chứa lợi khuẩn Lactobacillus casei trong 12 tháng ít có các triệu chứng dị ứng hơn so với trẻ uống giả dược.
2.6 Thực phẩm chứa quercetin
Hành tây chứa quercetin giúp giảm triệu chứng dị ứng theo mùa.
Các loại thực phẩm như hành tây, bắp cải, ớt, quả mọng và táo đều chứa quercetin, là một hợp chất thực vật tự nhiên làm giảm các triệu chứng dị ứng ở mũi. Quercetin hoạt động giống như một chất kháng histamine tự nhiên bằng cách ổn định các tế bào mast, có thể làm giảm histamine, do đó làm giảm các triệu chứng của dị ứng.
Các loại thực phẩm chứa quercetin khác như nho, trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, măng tây và trà xanh.
2.7 Cá hồi
Omega-3 có trong cá hồi có thể chống viêm hiệu quả.
Đây có thể là một trong những giải pháp giảm dị ứng mới mà bạn chưa từng nghe đến. Cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi và cá thu, có thể chống lại chứng viêm dị ứng nhờaxit béo omega-3. Những chất béo này giúp ổn định màng tế bào, khiến chúng ít có khả năng giải phóng histamine khi chất gây dị ứng phát sinh. Các loại thực phẩm khác giàu omega-3 chống viêm bao gồmquả óc chóvà hạt lanh.
2.8 Thực phẩm cay
Những thực phẩm cay có thể có lợi cho việc làm sạch các xoang của bạn.
Thực phẩm cay, chẳng hạn như quế, hồi, ớt và mù tạt đều có thể hoạt động như thuốc thông mũi tự nhiên. Chúng giúp giảm dị ứng bằng cách kích thích các lông mao niêm mạc để giúp phá vỡ tắc nghẽn. Ngoài ra, một thành phần của ớt cay gọi là capsaicin có thể mang lại lợi ích thông mũi tương tự.
Tiến sĩ Galowitz khuyến cáo: Những thực phẩm này không thay thế bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào đối với bệnh dị ứng theo mùa, nhưng chúng có thể được thêm vào chế độ ăn uống của bạn để giúp giảm viêm và phản ứng dị ứng. Nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để biết bạn bị dị ứng với chất gì và những thời điểm nào bạn có thể gặp dị ứng.
Thiên Châu
(Theo Thehealthy.com)