Độc đáo phố nghề thơm nức tiếng giữa lòng Thủ đô, ghé qua là bớt mệt mỏi, căng thẳng
GĐXH – Giữa lòng thủ đô Hà Nội có một phố nghề độc đáo luôn nức hương thơm. Thứ hương thơm này chỉ cần lướt qua phố nghề đã thấy bớt căng thẳng, mệt mỏi, có cảm giác rất dễ chịu, thư thái.
Phố nghề độc đáo trong 36 phố phường cổ
Thăng Long xưa có nhiều ấn tích văn hoá lịch sử gắn với 36 phố phường, trong đó có phố nghề Lãn Ông - mang tên Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), là ông Tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam, đồng thời là nhà triết học, nhà văn, nhà thơ lớn.
Hải Thượng Lãn Ông đã để lại di sản văn hóa lớn cho nền y học Việt Nam là bộ sách "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" với 66 y thư, và tác phẩm "Di huấn cách ngôn" răn dạy y đức - được coi là tiêu chuẩn y đức của ngành Y.
Phố nghề mang tên Lãn Ông từ năm 1946, mang vẻ đẹp đặc trưng phố cổ - nhà thuốc. Nét đặc biệt khác hẳn với các "phố Hàng" Hà Nội là phố nghề Lãn Ông lúc nào cũng thơm nức hương vị thảo dược và luôn tấp nập người xe qua lại, mua bán. Con phố chỉ dài có 180m nhưng có tới gần 50 cơ sở kinh doanh thuốc Nam và các phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT).
Ở phố nghề Lãn Ông có thể tìm thấy hầu hết các vị thuốc Nam, thuốc Bắc, từ cao cấp như Đông trùng hạ thảo, Nhân sâm, Linh chi cho tới các loại thảo dược khô, hoặc tán bột… Có cả các sản vật miền núi như Ngải tượng, Hoài sơn, Tam thất, Tắc kè… cho đến Hải sâm, Hải mã, Ô tặc cốt… miền duyên hải.
Phố nghề cung cấp dược liệu cho các tỉnh thành theo phương châm "người Nam dùng thuốc Nam" (Nam dược trị Nam nhân). Các cửa hàng dược liệu có thể đáp ứng từ vài lạng, đến hàng cân, hàng tạ, hàng tấn – nhưng muốn thuốc gì cũng phải có đơn mới mua được.
Các phòng Chẩn trị Y học cổ truyền phố nghề Lãn ông cũng thâm trầm, kín đáo hơn nơi khác, và thường treo ảnh chân dung Hải Thượng Lãn Ông ở vị trí trang trọng.
Nét đặc biệt nữa ở phố nghề Lãn Ông các vị lương y không cần quảng cáo kiểu "nhà tôi ba đời làm thuốc, chữa bệnh gì cũng khỏi…" để hút khách. Người bệnh đến khám chữa bệnh ở đây hầu hết là khách từng được điều trị hiệu quả từ các bệnh phong thấp, vô sinh... đến kinh phong, hậu sản, trẻ còi xương suy dinh dưỡng… bằng các phương thuốc gia truyền.
Những tên tuổi nổi danh phố nghề
Phố nghề mang tên Lãn Ông từ năm 1946. Đầu tiên có những người Hoa tới đây lập nghiệp, nổi nhất là dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tiếp đó là hàng chục lương y người Việt có gốc gác từ những làng nghề làm thuốc cổ truyền như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất văn nhân như Nhân Chính, Đông Ngạc (Hà Nội), Hành Thiện (Nam Định)…
Người làm nghề thuốc ở phố nghề Lãn Ông xưa lấy bí kíp gia truyền làm cốt yếu và thường "cha truyền con nối". Vì vậy nghề thuốc không bị lu mờ theo năm tháng như ở các phố nghề khác. Con cháu các lương y ngày nay hầu hết đều được đào tạo chuyên môn, nhiều người là bác sĩ, y sĩ y học cổ truyền.
Theo số liệu của Hội Đông y Hoàn Kiếm, phố nghề Lãn Ông vẫn còn những biển hiệu nổi tiếng gần trăm năm nay như Thuốc tê thấp Cầu Bây; Thuốc gia truyền Nhất Kinh... Các lương y đa khoa cao niên hiện nhiều cụ đã lui về nghỉ ngơi, chỉ còn 6 cụ nổi danh vẫn làm nghề thuốc như Lương y Phạm Xuân Nội, Lương y Nguyễn Kim Bảng, Bác sĩ Tạ Văn Minh, Lương y Trần Vũ Cường, Lương y Nguyễn Thị Ngọc, Dược sĩ Trần Thị Tuyết Mai.
Địa chỉ được nhiều cựu chiến binh lui tới, có nghề thuốc "cha truyền con nối" là Phòng khám YHCT của Lương y Phạm Xuân Nội - thương binh chiến trường Thành cổ Quảng Trị xưa xuất ngũ trở về kế tục y nghiệp tổ tiên. Con cháu Lương y trưởng thành cũng đang nối nghiệp cha ông với các bài thuốc gia truyền cho các bệnh yếu thận, phong thấp, vô sinh bằng các bài thuốc Đông y.
Nhiều người quan tâm tới Lương y Lê Hữu Hoàng - một trong các hậu duệ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Gia đình ông Lê Hữu Hoàng nổi tiếng về bào chế thuốc hoàn chữa bệnh động kinh hiệu quả, giúp nhiều bệnh nhi thoát bệnh kinh phong, co giật...
Lương y Nguyễn Kim Bảng (phố Lãn Ông) là truyền nhân họ Nguyễn có gốc gác Nam Định. Lương y chia sẻ là vị Thuỷ tổ của gia tộc là quan triều Lê, thường căn dặn con cháu: "Nên theo nghề thuốc cho bền". Tới nay dòng tộc có người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ vẫn y theo lời Tổ dạy mà thành danh. Loại thuốc gia truyền của họ Nguyễn là thuốc tễ vê viên giúp giảm ho, trị viêm họng, viêm phế quản do chính Lương y Nguyễn Kim Bảng điều chế.
Lương y Nguyễn Kim Bảng còn tặng Bảo tàng Hà Nội cả một xe các dụng cụ bào chế thuốc cổ xưa, trong đó có 2 cái cối giã thuốc bằng đồng gia bảo, bộ thuyền tán thuốc, bộ đồ sắc thuốc cổ (ngày nay hầu như không còn vì đã được thay bằng máy xay thuốc, máy sắc thuốc hiện đại).
Tại phố nghề Lãn Ông có thể mua được những gói thảo dược tần gà, chim, vịt... giúp các bà nội trợ đưa vào các món ăn bài thuốc. Có cả thuốc cho người béo phì hãm uống như chè mà giảm béo. Và cả những thang thuốc ngâm rượu bổ có tiếng xưa nay như Nhất dạ ngũ giao sinh ngũ tử, Minh Mạng thang… giúp các quý ông giữ vững phong độ.
Trải qua bao thăng trầm các cửa hàng dược liệu phố nghề Lãn Ông tới nay vẫn buôn bán sầm uất. Mỗi sớm bình minh khắp phố nghề Lãn Ông vẫn nồng đượm hương dược liệu lan tỏa, giúp ai đi qua cũng bớt mệt mỏi, lại dễ chịu và thư thái. Bên ấm trà các cụ lang già ngồi đàm đạo với con cháu, hoặc khách về tam tài, tượng trưng cho: Trời - Đất - Người gắn với từng vị thuốc thảo dược được gắn kết với triết lý phương Đông.
Tương lai phố nghề Lãn Ông sẽ là một điểm sáng về sự kết hợp Du lịch phố nghề, gìn giữ tinh hoa văn hoá của dân tộc, với những nét đẹp văn hóa cùng bề dày truyền thống phố nghề Thăng Long riêng biệt, độc đáo làm nên sức hấp dẫn cho khu phố cổ - là địa chỉ không thể bỏ qua khi du khách đến với Hà Nội.
* Nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và ngày Quốc tế lao động 1/5, Hội Đông y Hoàn Kiếm phối hợp với Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm "Nghề thuốc Đông y Hoàn Kiếm gắn với phát triển phố nghề Lãn Ông".
* Phố Lãn Ông xưa thuộc đất thôn Hậu Đông Hoa Môn, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
* Cuối thế kỷ 19, Thực dân Pháp đặt tên phố này là "Rue de Fou-Kien" (phố Phúc Kiến). Nhà số 40 Lãn Ông chính là Hội quán Phúc Kiến xưa - đã được trùng tu và mở cửa đón khách du lịch vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
* Năm 2014, UBND quận Hoàn Kiếm đã trùng tu khang trang hơn cho phố nghề Lãn Ông.
* Năm 2023, UNESCO đã vinh danh Hải Thượng Lãn Ông là Danh nhân Thế giới.
TTƯT. BSCKI Quách Tuấn Vinh
Ủy viên BCH Hội Đông y TP Hà Nội,
Chủ tịch Hội Đông y quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội