Hà Nội: COVID-19 'hạ nhiệt', nhiều dịch bệnh khác lại bùng phát mạnh
PLBĐ - Trong khi COVID-19 đang hạ nhiệt thì dịch sốt xuất huyết và Adenovirus lại đang bùng phát mạnh ở Hà Nội.
Hà Nội đã có hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong
Theo Sở Y tế Hà Nội, thống kê đến ngày 23/10, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong).
Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Ngày 27/10, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đây là địa bàn có 426 người mắc, 83 ổ dịch, 9 ổ dịch đang hoạt động tại 14 phường, riêng phường Hoàng Liệt ghi nhận 87 ca sốt xuất huyết.
Tại Quận Hoàng Mai đang có một số phường như: Vĩnh Hưng, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Yên Sở… đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, nhiều phế liệu phế thải là nơi chứa nước tạo điều kiện để lăng quăng, bọ gậy phát triển. Các phường trên địa bàn nhiều nhà trọ, dân cư di biến động phức tạp, đa số người trọ là học sinh, sinh viên nên ý thức vệ sinh môi trường chưa được tốt, tạo điều kiện để muỗi phát triển.
Một số phường người dân có bể chứa nước nổi không có nắp đậy kín hoặc có nắp nhưng không kín, các hộ còn trồng rau sạch trên sân thượng, trồng cây cảnh chính là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Để kiểm soát dịch, lực lượng chức năng tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã có ca mắc Adenovirus
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến 16/10, Hà Nội đã ghi nhận 3.938 bệnh nhân dương tính với Adenovirus (ghi nhận thêm 1.168 trường hợp so với số báo cáo ngày 5/10).
Các bệnh nhân dương tính Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, đã có 3 trường hợp tử vong (Mỹ Đức (1), Phú Xuyên (1), Tây Hồ (1)). Một số quận huyện ghi nhận số ca mắc cao như: Hoàng Mai (356), Hà Đông (312), Đống Đa (302), Nam Từ Liêm (289), Thanh Xuân (262).
Đáng chú ý, CDC Hà Nội nhận định, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang vào thời điểm giao mùa Thu - Đông. Đây là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan và phát triển. Dự báo số ca mắc Adenovirus có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.
Để phòng ngừa bệnh do Adenovirus gây ra mỗi người cần có ý thức chủ động phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng khăn mặt riêng, tránh dùng chung và thường xuyên vệ sinh khăn mặt bằng xà phòng, phơi chỗ thoáng mát, khô ráo.
- Vệ sinh họng sạch sẽ bằng cách thường xuyên súc miệng nước muối.
- Nước sinh hoạt trong gia đình phải đảm bảo là nguồn nước sạch đã được khử trùng an toàn.
- Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh tuyệt đối không dùng chung đồ đạc cá nhân và cần chú ý sát khuẩn thường xuyên những đồ dùng của người bệnh.
- Bệnh do Adenovirus dễ dàng lây nhiễm ở các phòng khám bệnh, đặc biệt là phòng khám mắt. Do vậy, các nhân viên y tế hay khách hàng đến khám chữa bệnh cần chú ý sát khuẩn thường xuyên tay, tránh đưa lên mắt, mũi, miệng để giảm khả năng lây nhiễm bệnh.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính.
Thanh Hải (th)