Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng rụng tóc
PLBĐ - Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc, tình trạng này có thể được cải thiện nhờ tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và chăm sóc tóc đúng cách.
Nguyên nhân rụng tóc
Theo BS. Nguyễn Tiến – Bệnh viện Da liễu Trung Ương, mỗi người chúng ta có khoảng 100 nghìn đên 200 nghìn sợi tóc, mỗi ngày rụng khoảng từ 50 tới 100 sợi. Nếu lượng tóc rụng lớn hơn thì được gọi là bệnh rụng tóc. Để phát hiện bệnh rụng tóc rất đơn giản, biểu hiện là thấy tóc thưa dần, mảnh, chải đầu thấy tóc rụng nhiều.
Nguyên nhân gây ra của bệnh rụng tóc ở nữ giới xuất phát từ sự suy yếu của các tế bào mầm tóc (nguồn gốc hình thành và phát triển của tóc). Những yếu tố làm cho tế bào mầm tóc bị suy yếu có thể bắt nguồn từ chính cơ thể của bạn hoặc thói quen làm đẹp sai cách.
Phụ nữ tuổi trung niên thay đổi yếu tố nội tiết dẫn đến hệ thần kinh nội tiết bị mất cân bằng và khả năng thúc đẩy tế bào mầm tóc phát triển bị suy giảm, làm teo nang tóc, phá vỡ vòng đời của tóc và gây ra tình trạng rụng tóc nhiều.
Dinh dưỡng thiếu hụt, nhuộm tóc nhiều, tâm lý thường xuyên căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm… cũng là nguyên nhân gây rụng tóc. Hay một số người đang trong thời gian điều trị bệnh, dùng thuốc nên có thể gây ra rụng tóc. Một số loại thuốc có thể kể đến như thuốc trị bệnh ung thư, một số thuốc tim mạch…
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây rụng tóc nhiều đó là bệnh viêm da đầu, vảy nến, bệnh về tuyến giáp, cơ thể nhiễm một số độc tố…
Cách khắc phục rụng tóc
Để khắc phục tình trạng rụng tóc ở nữ giới, theo BS. Vũ Thu Dung – Bệnh viện Da liễu TW nên áp dụng các phương pháp sau:
Không gội đầu vào buổi tối muộn.
Tóc luôn phải được sấy khô vì mái tóc còn ẩm, tóc sẽ dễ gãy, rụng hơn.
Không nên sấy tóc thường xuyên và sấy ở nhiệt độ cao
Hạn chế uốn, nhuộm tóc.
Gội đầu tối đa 3 lần/tuần bằng dầu gội đầu phù hợp với da đầu.
Nên ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya.
Massage da đầu hàng tuần để kích thích các nang tóc.
Chăm chỉ luyện tập, rèn luyện thể dục thể thao
Cắt đi phần tóc chẻ để tóc nhanh dài hơn, và cũng để mái tóc trông khỏe hơn.
Tóc rụng do các loại bệnh lý như bệnh về tuyến giáp, bệnh thiếu máu, bệnh đa nang buồng trứng thì cần phải điều trị bệnh lý trước.
Ngoài ra cần giữ chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học bằng việc bổ sung vitamin và khoáng chất, điều này sẽ giúp mái tóc khỏe mạnh, tóc không trở nên giòn và dễ gãy. Những thực phẩm tốt cho tóc chứa nhiều vitamin B5, B6, magiê, sulfur, silic và kẽm (có trong trứng, cá, thịt, rau xanh, hoa quả, mầm lúa mỳ, hải sản, gan động vật, các loại đậu, ngũ cốc, cá, thịt…).
Beta-carotene cũng rất quan trọng đối với việc mọc tóc bởi beta-carotene sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi cơ thể cần đến, giúp phát triển xương, làm khỏe da, tóc và móng tay. Beta-carotene có nhiều trong các loại rau và hoa quả có màu xanh và vàng.
Tăng cường protein trong bữa ăn. Nếu theo chế độ ăn giàu protein, tóc cũng sẽ mọc nhanh hơn. Vì thế, hãy ăn thêm cá, trứng, đậu, sữa chua, và đặc biệt là đậu nành. Ăn nhiều đậu nành không chỉ làm tóc khỏe hơn mà còn làm tóc mọc nhanh hơn.
Hạn chế dùng các thực phẩm như cà phê, nước ngọt có gas, quá nhiều đường và chất béo.