8 thay đổi thói quen để có trái tim khỏe mạnh
Lười tập thể dục, chế độ ăn uống không lành mạnh, không kiểm soát các chỉ số như đường huyết, huyết áp, cholesterol,... là những thói quen không tốt cho tim mạch.
Bạn có thể áp dụng thay đổi lối sống để trái tim trở nên "trẻ" hơn, khỏe mạnh hơn.
1. Quỹ thời gian dành cho tập thể dục
Nếu bạn thường xuyên tập thể dục sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Còn nếu bạn ngồi cả ngày, điều đó không có lợi cho sức khỏe. Bạn cần phải thường xuyên vận động.
Nếu bạn làm công việc văn phòng, cứ mỗi tiếng hãy đứng dậy đi lại để thúc đẩy lưu thông máu. Thậm chí nếu có thể lắc lư nhảy theo điệu nhạc, làm vài động tác chống đẩy hay vài động tác tập thể dục còn tuyệt vời hơn nữa.
2. Đừng chủ quan nghĩ rằng "Tôi còn quá trẻ"
Đừng chờ đợi mới chăm sóc sức khỏe tim mạch. Tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh và nắm rõ các chỉ số huyết áp, cholesterol và đường máu là điều quan trọng để có trái tim khỏe mạnh.
Hãy luôn nâng niu chăm sóc cho trái tim của bạn. Thời điểm lý tưởng để chăm sóc trái tim là càng sớm càng tốt.
3. Uống rượu bia vừa phải
Nếu bạn uống đồ uống có cồn quá nhiều, nó có thể làm tăng mỡ máu và tăng huyết áp. Vì vậy hãy hạn chế uống rượu bia.
4. Chế độ ăn uống lành mạnh
Không cứ nhất thiết lúc nào cũng phải ăn gạo nguyên cám hay yến mạch nguyên cám. Chẳng có lý do gì cứ phải ăn những món ăn đơn điệu và nhàm chán.
Chế độ ăn Địa Trung Hải gồm những món ăn như dầu oliu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc... kích thích vị giác, tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, chế độ ăn lành mạnh còn giúp cho trái tim khỏe mạnh nhờ chất béo có lợi (như dầu thực vật), chất xơ và nhiều dưỡng chất.
Vì vậy không nhất thiết cứ phải ăn cơm gạo lứt. Một chế độ ăn uống đa dạng giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai lang, rau xanh, các loại củ quả, trái cây, thịt nạc, cá và hải sản sẽ giúp bạn khỏe mạnh. Ăn uống điều độ và ăn vừa phải, không ăn quá đà sẽ giúp bạn đạt các chỉ số huyết áp, tim mạch, đường máu tốt.
Ngoài ra, nhâm nhi các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, óc chó, hạt điều,... cũng cung cấp chất béo và các dưỡng chất có lợi cho tim mạch.
5. Hãy nắm rõ các chỉ số tim mạch, cholesterol, huyết áp của bạn
- Nồng độ cholesterol của bạn là bao nhiêu? Thế còn huyết áp của bạn?
- Tôi không biết.
Điều này thật nguy hiểm, bởi nhiều người có thể có những chỉ số này quá cao mà hoàn toàn không hay biết. Bạn có thể cảm thấy ổn nhưng có thể chỉ số cholesterol hay huyết áp vẫn cao.
Vì vậy, hãy quan tâm tới sức khỏe tim mạch từ sớm. Bắt đầu từ độ tuổi 20, bạn đã nên đi khám định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ.
6. Mỡ bụng
Mỡ bụng đặc biệt không tốt cho tim mạch. Vì vậy hãy thử đo vòng bụng của bạn. Nếu vòng bụng > 90 cm (đối với nữ) và > 100 cm (đối với nam) thì đây là báo động đỏ.
Cần phải giảm cân để có cơ thể nhỏ gọn hơn. Hãy thực hiện từ từ từng bước một. Thậm chí, giảm được vài kg thôi cũng tốt hơn cho hệ tim mạch của bạn.
7. Cải thiện tâm trạng
Nếu tâm trạng của bạn u ám, điều này không tốt cho bạn chút nào. Nếu trầm cảm kéo dài trên vài tuần, hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.
Dùng liệu pháp trị liệu, tập thể dục và thuốc (nếu cần) để cải thiện tâm trạng, có thêm năng lượng trong công việc và cuộc sống.
8. Bỏ hút thuốc, hạn chế ở gần người hút thuốc
Khói thuốc của ai đó kế bên có thể làm tổn thương trái tim và các mạch máu của bạn. Bạn nên tránh hít khói thuốc thụ động.
Nếu bạn dành nhiều thời gian ở bên cạnh người vẫn chưa sẵn sàng bỏ thuốc lá, hãy đảm bảo rằng họ không hút thuốc khi ngồi cạnh bạn, dù là ở nhà, nơi làm việc hay trong xe ô tô.
Sự cương quyết của bạn sẽ tốt cho cả hai, bởi đồng thời giúp họ cai thuốc lá, bỏ thói quen xấu.
Nguyễn Vân
(theo WebMD)