Khai báo thông tin giả: Đừng tự “chuốc họa vào thân”

Đ. Việt 24/04/2024 16:18

Người đàn ông mua dao tự đâm vào đùi rồi dàn cảnh một vụ cướp tài sản. Tuy nhiên, vào cuộc xác minh, Công an phát hiện nhiều điểm nghi vấn và xác định không có vụ cướp nào xảy ra. Vậy hành vi khai báo thông tin giả sẽ bị xử lý thế nào?

Mua dao tự đâm vào đùi để dàn cảnh vụ cướp

Thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra không ít vụ việc khai báo tin giả, không đúng sự thật liên quan đến các vụ cướp gây tâm lý hoang mang và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Các chuyên gia pháp lý khẳng định, dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng việc khai báo tin không đúng sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, cần thiết xử lý nghiêm.

bao-tin-cuop-gia.jpg
Người đàn ông tự dùng dao đâm vào đùi rồi dàn cảnh vụ cướp. (Ảnh CAND)

Mới đây nhất, chiều 5/4, Công an xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM nhận được tin báo về việc xảy ra một vụ cướp tài sản tại bãi đất trống, đường liên ấp 3-4, ấp 4 trên địa bàn xã Phong Phú.

Theo nội dung trình báo, khoảng 14 giờ ngày 5/4, Lý Minh Tuấn điều khiển xe máy đến trước bãi đất trống trên, dừng xe đi vệ sinh thì bị hai đối tượng dùng cây gỗ tấn công. Tuấn chống trả thì bị đối tượng dùng dao Thái Lan đâm vào đùi phải, cướp 27,5 triệu đồng rồi tẩu thoát. Tuấn sau đó được người dân đi đường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhận được tin báo, Công an xã Phong Phú đã báo cáo ngay cho Ban chỉ huy Công an huyện Bình Chánh cử lực lượng phối hợp điều tra truy xét, đồng thời cử cán bộ đến Bệnh viện Chợ Rẫy làm việc với anh Tuấn.

Qua quá trình truy xét, điều tra ban đầu, Cơ quan Công an nhận định không có vụ cướp nào xảy ra như tin báo trên.

Làm việc với Tuấn tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Tuấn khai nhận do cha mẹ khó khăn và làm ăn thua lỗ nên anh đã giấu vợ mượn bạn bè ngoài xã hội số tiền 27,5 triệu đồng gửi cho gia đình.

Sáng 5/4, khi vợ Tuấn đưa 27,5 triệu đồng nhờ Tuấn gửi vào tài khoản giùm, Tuấn đã đem số tiền này trả nợ hết. Lo sợ vợ biết chuyện nên Tuấn đã mua một con dao Thái Lan cán vàng rồi chạy xe máy đến trước bãi đất trống thuộc đường liên ấp 3-4, ấp 4, xã Phong Phú, tự đâm vào đùi để dàn cảnh bị cướp.

Hiện Công an huyện Bình Chánh, đang củng cố hồ sơ xử lý Tuấn về hành vi “khai báo thông tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền".

Trước đó, tối 24/12/2023, chị P.T.C đến Công an phường Tứ Liên, (Tây Hồ, Hà Nội) trình báo về việc vào khoảng 21h30 cùng ngày, trên đường đi làm về đến khu vực cầu sắt lối ra bãi giữa sông Hồng (tổ 7 Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội), chị bị 2 đối tượng dùng dao khống chế, cướp đi 1 xe máy và 1 triệu đồng.

Tiếp nhận tin báo, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an phường Tứ Liên đã báo cáo Công an quận chỉ đạo đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ phối hợp để điều tra xác minh làm rõ.

Quá trình điều tra, nhận thấy nội dung lời khai của chị C. có nhiều điểm bất thường, kết hợp với tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an xác định chị C. trình báo sai sự thật.

Qua đấu tranh, chị C. đã khai nhận hành vi báo tin giả, tin không đúng sự thật. Tại cơ quan Công an, chị C. khai do gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, cảm thấy không được người thân trong gia đình quan tâm nên sau khi tan làm, chị C. đã gửi xe máy ở Bệnh viện Tim Hà Nội rồi đi xe ôm về đến đầu đường xuống cầu sắt thuộc tổ 7 Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.

Chị C. đi bộ ra khu vực cầu sắt rồi gọi điện cho gia đình báo là bị cướp tài sản, sau đó cùng gia đình lên Công an phường Tứ Liên trình báo bị cướp tài sản như nội dung ở trên, mục đích để gia đình lo lắng, quan tâm đến chị nhiều hơn.

Có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự

Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, (Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc cố ý tố giác, báo tin giả đến các cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ, người báo tin giả có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự và phải bồi thường thiệt hại nếu có cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi đó gây nên. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng không tùy tiện thực hiện các hành vi báo tin, tố giác không đúng sự thật tránh gây thiệt hại cho người khác và có thể tự “chuốc họa vào thân”.

luat-su-nguyen-khanh-toan.jpg
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn.

Dẫn quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình, luật sư Toàn cho biết, cá nhân có hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân nào bịa đặt, vu khống người khác có hành vi phạm tội và tố cáo họ đến cơ quan có thẩm quyền, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, theo các quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vì vậy, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Đ. Việt