Công an TPHCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo du lịch, trộm cướp trong dịp nghỉ lễ 30/4
Cơ quan công an khuyến cáo người dân đi du lịch, nghỉ dưỡng dịp lễ cần chọn công ty uy tín và khóa cửa nhà cẩn thận, nhờ người trông coi hoặc lắp đặt camera để quan sát từ xa.
Ngày 24/4, Công an TPHCM vừa phát đi thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực du lịch và đề phòng trộm cắp, cướp giật trong dịp lễ 30/4, 1/5.
Theo công an, kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Để tránh bị lừa đảo trong đợt này, cơ quan công an khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay của những công ty hoặc ứng dụng du lịch uy tín.
Camera ghi cảnh 2 thanh niên đột nhập nhà dân ở huyện Bình Chánh để trộm cắp vào rạng sáng 23/4. Ảnh cắt từ clip.
Người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch; cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá rẻ.
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên miền. Thông thường, tên miền các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm một số ký tự.
Sau khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay, người dân cần xác nhận lại thông tin đặt phòng (từ khách sạn đã đặt), thông tin vé máy bay (từ hãng); nếu phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.
Để phòng ngừa trộm đột nhập dịp lễ, người dân cần khóa cửa cẩn thận, sử dụng ổ khóa trong hoặc lắp đặt camera để theo dõi, quan sát từ xa và hẹn giờ bật đèn chiếu sáng để trộm tưởng có nhà trong nhà.
Trường hợp không có hệ thống đèn tự động, người dân nhờ người thân, hàng xóm bật hộ đèn chiếu sáng ngoài cổng, trước nhà.
Người dân nhờ người thân, hàng xóm kiểm tra khu vực trước cổng, trước cửa nhà, các vị trí để mở khóa có những mẫu quảng cáo, rao vặt được đặt bất thường hay không. Nếu có thì phải lấy xuống ngay vì đây là cách kẻ gian thử xem có người ra vào, ở trong nhà hay không.
Bên cạnh đó, người dân không chia sẻ hình ảnh, địa điểm đi du lịch lên mạng xã hội và đặt bảng đề phòng chó dữ hoặc khu vực có camera quan sát trước cửa nhà.
Tội phạm cướp giật ngày càng trẻ hóa
Đây là thông tin được Trung tá Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024, sơ kết công tác quý I/2024, sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch 1934/KH-BCĐ của BCĐ 138/TP.
Theo Trung tá Hưng, các đối tượng phạm tội lợi dụng ban đêm, đường vắng, khu dân cư mới hình thành, người dân sơ hở, thiếu cảnh giác để chặn đường, uy hiếp, cướp, cướp giật tài sản và dùng bình hơi cay, ớt bột chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng, người dân truy đuổi.
Một người dân bị kẻ gian cướp giật điện thoại trên đường ở quận Bình Tân. Ảnh cắt từ clip.
“Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, thể hiện sự quyết tâm phạm tội đến cùng và di chuyển liên tục và thành phần phạm tội ngày càng trẻ hóa, không có nghề nghiệp ổn định, lối sống không lành mạnh”, Trung tá Hưng chia sẻ và cho biết địa bàn hoạt động mạnh của các đối tượng này chủ yếu ở vùng ven TPHCM như: quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và TP.Thủ Đức.
Theo thống kê, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) trong năm 2023, TPHCM ghi nhận xảy ra 4.829 vụ, giảm 146 vụ so với cùng kỳ. Quý I/2024, thành phố xảy ra 811 vụ, giảm 99 vụ so với cùng kỳ.
Trong đó, một số vụ cướp tài sản với phương thức chặn xe, dùng hung khí nguy hiểm để đe dọa hoặc tấn công bị hại nhằm cướp tài sản, có trường hợp cướp tài sản phát sinh bộc phát khi đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm khác.
Công an TPHCM bắt, khởi tố 1 vụ, 5 đối tượng về hành vi cướp tài sản, nhóm đối tượng khi bị người dân nhắc nhở về việc chạy xe gây rối trật tự công cộng, đã quay lại tấn công gây thương tích và cướp tài sản của bị hại.