Tăng axit uric máu có phải là bệnh gout không?
PLBĐ - Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng cứ tăng axit uric máu là bệnh gout và dùng thuốc điều trị gout, quan niệm này có đúng hay không?
Theo DS. Minh Đức, Axit uric là một chất thừa, sản phẩm của chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric, đây là nguồn axit uric nội sinh. Ngoài ra, những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (nhất là nội tạng, hải sản…) cũng có nhân tế bào, khi được ăn vào cơ thể cũng sẽ chuyển hóa thành axit uric.
Axit uric sẽ được thải loại 80% qua đường niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da. Bên cạnh đó, rượu bia có tác dụng kích hoạt men xanthine oxidase gây tăng sản xuất acid uric. Trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, khi nguồn tạo ra axit uric nhiều nhưng thải ra ít thì sẽ làm cho axit uric bị giữ lại trong máu, sẽ lắng đọng trong các mô. Nơi axit uric thường lắng đọng nhất là các khớp và gây ra bệnh đặc trưng là gout.
Ngoài ra, axit uric còn lắng ở tim gây ra bệnh tim mạch, lắng ở thận gây ra suy thận, lắng ở đường niệu gây ra sỏi thận. Tuy nhiên, có những trường hợp axit uric trong máu rất cao do nó được tạo ra nhiều mà thải ra ít thì người ta gọi là tăng axit uric máu chứ không gọi là bệnh gout.
Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng cứ tăng axit uric máu là bệnh gout và dùng thuốc điều trị gout. Đây là quan niệm sai lầm vì chỉ coi là có bệnh gout khi tăng axit uric máu đi kèm với sự lắng đọng axit uric và gây tổn thương ở khớp hay những tổ chức khác. Ðiều trị những cơn viêm khớp do gout khác với điều trị tăng axit uric trong máu.
Các triệu chứng của tăng axit uric máu
Khi tăng axit uric máu, một số triệu chứng thường gặp như: Đau dữ dội ở các khớp; Cứng khớp; Khó thực hiện các cử động khớp; Đỏ và sưng khớp.
Một số đồ uống giúp giảm axit uric
Trà xanh
Theo các nghiên cứu, uống một lượng trà xanh vừa phải thường xuyên có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Các chất chống oxy hóa có trong trà xanh giúp chống lại chứng viêm liên quan đến bệnh gout.
Sữa ít béo hoặc sữa tách béo
Uống một ly sữa tách kem hoặc sữa ít béo có thể làm giảm lượng axit uric trong máu của bạn một cách hiệu quả. Vì vậy, sữa tách béo hoặc sữa ít béo (hoặc sữa chua làm từ những loại sữa này) cũng rất tốt cho những người đang cần giảm axit uric.
Nước chanh
Bắt đầu ngày mới với một ly nước chanh tốt cho sức khỏe, nhưng lại đặc biệt tốt cho những người bị bệnh gout hoặc tăng axit uric.
Tất cả những gì bạn cần làm là vắt một quả chanh tươi vào một cốc nước và uống. Nước chanh rất giàu vitamin C giúp trung hòa nồng độ axit uric trong cơ thể. Ngay cả những loại trái cây giàu vitamin C như cam cũng có thể làm nên điều kỳ diệu này.
Trà thảo mộc
Một ly trà thảo mộc như hoa cúc, hoa oải hương và dâm bụt không chỉ giúp cơ thể bạn hấp thụ nhiều chất lỏng hơn mà còn giúp kiểm soát các vấn đề về bệnh gout. Việc tăng tiêu thụ chất lỏng cũng là điều cần thiết để chống lại các triệu chứng bệnh gout.
Cà phê
Các chuyên gia khuyến nghị những người bị bệnh gout có thể tiêu thụ cà phê cùng với sữa tách kem hoặc ít béo (không đường). Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định số cốc bạn có thể uống, tuy nhiên, không nên uống quá 2 cốc trong một ngày.