Thành lập thành phố thứ 2 của tỉnh Tiền Giang
Từ 1/5, tỉnh Tiền Giang sẽ có thêm thành phố Gò Gông, là thành phố thứ 2 của tỉnh Tiền Giang.
Thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: Phường 1, Phường 2, Phường 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 03 xã: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung;
Tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 huyện, 01 thị xã và 02 thành phố; 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 138 xã, 24 phường và 08 thị trấn.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch UBND TP. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, TP. Gò Công là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các nhà hoạt động cách mạng, các di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng.
TP. Gò Công là đô thị loại III, đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang, là cửa ngõ thứ 2 để tiếp nhận sự phát triển kinh tế từ TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP. Gò Công không ngừng phát triển.
Thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định theo cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Với những kết quả đạt được đã đem lại sự phát triển nhanh về kinh tế cho địa phương; đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, xây dựng TX. Gò Công trở thành TP. Gò Công, cả hệ thống chính trị từ thị xã đến phường, xã tập trung thực hiện.
Đồng thời, tập trung công tác tuyên truyền, quán triệt đến đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân và doanh nghiệp để thông suốt và đồng thuận cao. Qua đó cùng chung sức thực hiện các tiêu chí, đóng góp vật chất, tinh thần nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng thành phố.
Ngày 19/3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 31 thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp, thành lập các phường thuộc TX. Gò Công và thành lập TP. Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Kết quả, 100% đại biểu tán thành thống nhất thông qua. Việc thành lập TP. Gò Công là nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang nói chung và của TP. Gò Công nói riêng.
Đây là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Phát biểu tại Lễ công bố, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Gò Công đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc thành lập TP. Gò Công là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là động lực, niềm tin để chúng ta tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trong giai đoạn mới.
Với ước mơ đã trở thành hiện thực, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Gò Công tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong xây dựng đô thị mới, đô thị văn minh.
Hai là, tiếp tục lãnh đạo phát triển TP. Gò Công theo đúng định hướng Quy hoạch chung của tỉnh - là khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm của Vùng kinh tế - đô thị phía Đông. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.
Địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế - đô thị, tiến tới xây dựng và khai thác mô hình đô thị xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ba là, tập trung kêu gọi đầu tư một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Gò Công. Đồng thời, tiếp tục cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị, khu dân cư và hình thành các khu đô thị mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với nâng cao mức sống của người dân.
Thành phố cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quá trình đô thị hóa cần tiến hành đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Địa phương cần có định hướng, giải pháp toàn diện phát triển TP. Gò Công và các phường sau khi được thành lập, bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Năm là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, chính sách đối với người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm.
Với vị thế, tiềm năng sẵn có, động lực mới, khí thế mới, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Gò Công sẽ đoàn kết, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, tạo bước chuyển mới toàn diện, xây dựng TP. Gò Công văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Dịp này, Chính phủ đã tặng Cờ thi đua cho nhân dân và cán bộ TX. Gò Công vì đã có thành tích dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho 25 tập thể và 25 cá nhân có thành tích đóng góp trong xây dựng TP. Gò Công.