Cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Xin cho tôi hỏi cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định hiện hành? – Đình Tùng (Bình Dương)
Cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Hộ chiếu phổ thông là một trong những giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019. Theo quy định, hành vi “Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh” là một hành vi bị nghiêm cấm.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, cá nhân có hành vi cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi cầm cố hộ chiếu phổ thông sẽ còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Nếu cá nhân vi phạm là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Căn cứ pháp lý:
- Khoản 2 Điều 9; Điểm c khoản 3, khoản 8, khoản 9 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
- Khoản 3 Điều 4 và điểm c khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Đối tượng nào được cấp hộ chiếu phổ thông?
Cụ thể, công dân Việt Nam được xem xét cấp hộ chiếu phổ thông trừ trường hợp sau:
- Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Các hành vi vi phạm đó bao gồm:
+ Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
+ Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
+ Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
+ Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
+ Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
+ Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
+ Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
- Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Điều 37. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
...
12. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh.
- Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
(Điều 14 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019)