Ngày nhận 2 - 3 đơn hàng online, cuối tháng thảng thốt hết tiền tiêu: Cách nào “cai nghiện”?
Ngày nào cũng chốt đơn và nhận đơn, thậm chí Hà Anh dành cả tiếng đồng hồ mỗi ngày để lướt “săn sale” từ các sàn thương mại điện tử. Mỗi đơn hàng chỉ từ vài chục nghìn tới vài trăm nghìn, nhưng cô gái 24 tuổi giật mình vì tháng nào cũng “ngốn” từ tài khoản của cô cả triệu đồng.
Hà Anh đặt mua online nhiều tới mức, người shipper chuyên giao hàng cũng quen mặt, sẵn sàng để cô nợ tiền ship cod dù đã giao hàng. Hà Anh mua rất nhiều món đồ, từ mỹ phẩm, giày dép, váy áo,... đến cả đồ ăn vặt. Các món đồ cô chất đầy ngăn tủ cá nhân nơi làm việc. Có những món chưa dùng tới dù một lần, cô mua đơn giản chỉ vì shop đang “Big sale”.
Được biết, không chỉ Hà Anh, mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay “nghiện mua sắm”, thậm chí không kiểm soát được cách chi tiêu như cô.
Rất nhiều bạn trẻ “nghiện mua sắm” dù các món đồ không thực sự cần thiết
Góp ý về chủ đề chi tiêu không kiểm soát, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều: Người thì cho rằng mua online vừa rẻ vừa tiết kiệm thời gian; song cũng có nhiều người phải giật mình thừa nhận các shop online đã “ngốn” quá nhiều tiền của mình.
Chia sẻ trên một diễn đàn về tài chính cá nhân, tài khoản có tên Chinh Đào để lại bình luận: "Vẫn biết mua online tiện hơn rất nhiều, nhưng mọi người nên hiểu, tiền kiếm được có hạn, cho đến khi bạn hay người thân gặp vấn đề về sức khỏe, cuộc sống của chính mình gặp rắc rối, thì khi đó các bạn mới thảng thốt vì không có tiền. Cuộc sống nếu chỉ nghĩ đến sở thích của mình thì bạn sẽ sớm nhận lại cái kết u tối mà thôi. Đáng tiếc rằng, giờ phần lớn lớp trẻ đều có những suy nghĩ rất đơn giản, đó là tiền mình làm ra thì có quyền tiêu, nên rất nhiều người rơi vào cái bẫy “cháy túi” vì mua sắm từ lúc nào không hay".
Đặc biệt, tài khoản có tên G. Nguyen đã chia sẻ bài viết khá chi tiết về những thói quen giúp tối ưu các khoản chi tiêu rất hiệu quả. Bài viết sau khi chia sẻ, nhiều chị em bày tỏ sự thán phục và muốn áp dụng luôn lối sống tối giản của chị.
“G. không giỏi kiếm tiền, không biết đầu tư, nhưng việc học về quản lí tài chính và thực hành sống tối giản kha khá năm đã giúp G. hình thành thói quen tiết kiệm hiệu quả. Và G cho rằng tiết kiệm là tốt, vì đời người chúng ta vận đến vận đi không lường được. Học cách sống ổn, lỡ lúc nào đó khi cái nghèo khó ập đến nó sẽ có ích” – tài khoản tên G. chia sẻ.
Xây dựng lối sống tối giản, rất nhiều chị em muốn thực hiện
Cụ thể, theo tài khoản G. Nguyen, chị thường xuyên tiết kiệm các khoản như:
"Tiết kiệm điện, nước. Nhà G. không có cảnh đèn bật sáng toàn bộ ngôi nhà ( trừ khi có việc hoặc đông khách), nhà G tập thói quen đi khỏi phòng nào là tiện tay tắt quạt/ đèn phòng đó, điện xài nơi ko người là lãng phí tài nguyên, nên hạn chế. Nước sau rửa rau vo gạo được dùng tưới cây, cọ rửa bồn chậu, nhà tắm,...
Nấu đủ ăn, hạn chế ăn hàng và ít tụ tập liên hoan: G. đi chợ theo ngày nên không cầm dư tiền. Ăn uống nhà G. đơn giản, đủ chất nhưng ưu tiên chọn đồ lành sạch, tính ra là vẫn kiểm soát được. Tiêu nhiều chứ ăn ko bao nhiêu.
Nhà mình không trữ đông thức ăn nhiều, trừ vài món cần trữ mát như trứng gà hoặc các món ăn làm nhiều mà ăn dần thôi, còn lại G. ít khi trữ đồ ăn.
Mua sắm quần áo: Quần áo của con được cho tặng nhiều nên rất ít mua mới. Quần áo bố mẹ đều mua có kế hoạch. Mỗi năm thường mua mới vào đợt sale cuối năm cho giá tốt. G. cũng rất ít khi lượn lờ các shop thời trang hay shopee coi đồ, vì ko có ngân sách mấy cho khoản này.
Giải trí, xem phim, cà phê: Có, nhưng ít vì mất thời gian và tốn khá nhiều tiền.
Mua trái cây theo mùa, không mua trái cây nhập: Ở Việt Nam may mắn là vựa trái cây, nên mùa nào thì thức đó vô cùng đa dạng. Trái cây vào mùa cũng ít phải thuốc thang & rẻ nữa. Trái cây nhập thực tế là nó vừa mắc tiền vừa qua nhiều khâu bảo quản, có khi còn độc hại hơn, đồ hữu cơ thì mình với một phát là cháy túi. Do đó, mình cứ trái cây Việt mà lựa dùng.
Mua đồ đã qua sử dụng: G. chưa bao giờ đập hộp một chiếc điện thoại mới nào trong đời, toàn là mua hàng đã qua sử dụng nhưng còn mới ở chỗ uy tín. Bất kể món đồ công nghệ hay xe cộ máy móc, quần áo cũng có thể mua 2nd hand và dùng ngon lành với giá chỉ nhỉnh hơn tí so với 1/2 giá đập hộp.
Tiết kiệm trước, tiêu sau: Dù lương đủ tháng hay như giờ đi làm tuần 3 ngày G. vẫn trích ra một khoản cắt ngay khi nhận lương, cho vô tài khoản tiết kiệm...
Đó là những thói quen G. vẫn đang áp dụng và thấy khá hài lòng. Mình chia sẻ, dành cho ai không giỏi kiếm tiền, những ai đã giỏi vui lòng đừng nói "sao phải khổ vậy" nhé ạ”.
Được biết, những thông tin chị G. chia sẻ đã thu hút hàng trăm bình luận và tương tác. Rất nhiều tài khoản bày tỏ sự đồng cảm, thán phục và muốn áp dụng luôn lối sống tối giản của chị.
- Chuẩn quá ạ. Như nhà chị là sống vừa đủ chứ ko phải tiết kiệm mức kham khổ gì cả. Vừa lợi cho cái ví vừa lợi cho tâm hồn và môi trường.
- Hay quá! Có rất nhiều thứ em cần học hỏi ở chị, cảm ơn chị chia sẻ. Em rất thích tư duy và lối sống tiết kiệm
- Thói quen bảo vệ môi trường của chị rất đáng để học hỏi và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Cảm ơn chị đã chia sẻ rất chân thành...