Nghỉ lễ dài ngày, nhà nghỉ tăng giá gấp đôi, dòng người xếp hàng 2 tiếng vẫn chưa vào được điểm du lịch
Nếu nhiều điểm lưu trú bình dân tại Hà Giang tăng giá nghỉ một gấp đôi thì ở Sa Pa (Lào Cai), dòng người xếp hàng 2 giờ đồng hồ vẫn chưa đến lượt được vào cabin cáp treo, để lên đỉnh Fansipan.
Ngày 29/4, ghi nhận của phóng viên, rất đông người dân tranh thủ kỳ nghỉ lễ dài ngày đã đến các điểm du lịch như Sa Pa (Lào Cai) hay Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Giang… để trải nghiệm nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, nếu người dân lựa chọn Quảng Ninh để trải nghiệm tại các bãi biển, tham quan bảo tàng Quảng Ninh và tham gia lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 với mức phí đặt trước bình ổn, thì tại Hà Giang, nhiều người phải ngỡ ngành với mức giá phòng nghỉ tăng một gấp đôi giá ngày thường.
Chị Đỗ Thị Quyên (37 tuổi, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ . Gia đình chị Quyên lựa chọn rời khỏi Hà Nội vào ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ nhằm tránh tắc đường kéo dài. Tuy nhiên, do lượng xe ô tô "đổ" về Quảng Ninh nhiều, nên gia đình chị Quyên phải mất gần 6 giờ đồng hồ mới có mặt ở Hạ Long.
Theo chị Quyên, mặc dù các bãi biển đều trở nên khá đông đúc vào cuối giờ chiều và lối vào Bảo tàng Quảng Ninh đều kín người xếp thành hàng dài, nhưng chị Quyên cho rằng, gia đình chị đã may mắn khi đặt chân vào một khách sạn 4 ở gần bãi biển Hạ Long vẫn nhận được phòng VIP có cửa sổ, ban công hướng ra biển với mức giá không khác những năm trước đó.
Ngược lại với chị Quyên, chị Nguyễn Thị Mai (32 tuổi, ở Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội) lựa chọn Sa Pa (Lào Cai) để "chữa lành", nghỉ dưỡng… phải xếp hơn 2 giờ đồng hồ vẫn chưa thể lên cáp treo để lên đỉnh Fansipan.
Chị Mai cho biết, từ ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ, thị trấn Sa Pa rất đông người dân. Mặc dù chưa thấy dấu hiệu tăng giá ở các điểm lưu trú nhưng gia đình chị Mai đã không thể thuê được khách sạn và buộc phải thuê nhà nghỉ bình dân với mức giá 500.000 đồng/ngày, đêm.
Chị Nguyễn Thị Mai cho biết, gia đình chị chờ đợi 2 giờ đồng hồ vẫn chưa đến lượt được vào cabin cáp treo để lên đỉnh Fansipan vì dòng người quá đông đúc. Ảnh: NVCC
Cũng theo chị Mai: "Ngày thứ 2 của kỳ nghỉ, gia đình tôi lên Sa Pa để tránh nóng. Vì không đặt phòng trước nên khi lên đây, hỏi khách sạn nào cũng báo hết phòng. Sau khi đi một vòng khu vực thị trấn Sa Pa không tìm được khách sạn ưng ý, gia đình tôi đành thuê vội nhà nghỉ bình dân. Chỉ sợ nếu chần chừ là mất lượt".
Những tưởng việc tìm một khách sạn sạch sẽ, ưng ý với vị trí đẹp để sáng sớm "thưởng" mây đã khó, thì gia đình 4 người của chị Mai phải xếp hàng chen chúc 2 giờ đồng hồ vẫn chưa đến lượt được vào cabin cáp treo để lên đình Fansipan… sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong chuyến nghỉ dưỡng, chữa lành năm nay của chị Mai.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, một số đơn vị khai thác du lịch tại Hà Giang cho biết, bắt đầu từ ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ , các điểm lưu trú đều tăng giá phòng nghỉ.
Chị H.X cho biết, nếu ngày bình thường, một phòng đơn có giá 300.000 đồng/phòng/ngày-đêm thì trong những ngày nghỉ lễ , giá phòng tăng đến 800.000 đồng/phòng/ngày-đêm.
Theo chị X, phân khúc nhà nghỉ bình dân tăng giá rõ rệt nhất, một phòng nhà nghỉ bình dân có giá 300.000 đồng có thể tăng đến 700.000 hoặc 800.000 đồng/phòng (loại 1 giường); với loại phòng giường đôi hoặc 3 giường, có thể tăngd dến 1,5 hoặc 2 triệu đồng/phòng.