Cách phòng tránh trẻ bị ốm khi thời tiết giao mùa
PLBĐ - Giao mùa là thời điểm nhiều trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, nhất là viêm phổi.
PGS-TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về cách phòng tránh giúp trẻ em không bị ốm khi giao mùa.
Các dấu hiệu như ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở là biểu hiện để cha mẹ nhận biết trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là các triệu chứng phổ biến nhất khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên.
Với những dấu hiệu nhẹ như ho, sốt, chảy mũi, trẻ vẫn ăn uống, chơi bình thường thì cha mẹ có thể chăm sóc, theo dõi sức khoẻ trẻ tại nhà.
Cha mẹ cần giúp con phòng bệnh khi giao mùa. (ảnh minh họa)
Quan sát nhịp thở, nếu thấy đột nhiên nhịp thở của trẻ bất thường, mạnh, khi vén ngực trẻ lên thấy lồng ngực khi thở lõm sâu… thì đó là dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Quan sát các biểu hiện bên ngoài, trường hợp trẻ thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, hoặc ăn ít, ăn vào là nôn, bỏ bú… cần đưa trẻ đi khám sớm vì rất có thể đó là dấu hiệu nặng của bệnh đường hô hấp.
Cạnh đó, chú ý điều chỉnh cách ăn mặc để cơ thể trẻ thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Nếu sáng sớm trời se lạnh có thể mặc ấm cho trẻ, nhưng trưa nắng ấm, nhiệt độ ngoài trời tăng, có thể giúp hoặc dặn trẻ cởi bỏ lớp áo khoác bên ngoài.
Hạn chế tối đa cho trẻ ra ngoài trời khi thời tiết mưa lạnh. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người.
Để nâng cao sức đề kháng, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm (trứng, sữa…).
Trước khi đi ngủ, hoặc sau khi ngủ dậy nên cho trẻ uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp, giữ thân nhiệt luôn ấm áp.
Cha mẹ cũng cần cho trẻ tiêm chủng mở rộng để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh hô hấp nặng nề.
Khi điều trị bệnh viêm phổi hay các bệnh hô hấp khác, nên bổ sung cho trẻ các thuốc uống, các loại vitamin, men tiêu hóa... theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự mua thuốc cho trẻ uống, nhất là kháng sinh. Việc tiêm kháng sinh phải được thực hiện ở bệnh viện và các cơ sở y tế có chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ.