Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả

30/04/2024 19:01

Tuần qua, công suất đỉnh hệ thống điện và nhu cầu điện đạt kỷ lục mới. Nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã được thiết lập.

Tiêu thụ điện xô đổ mọi kỷ lục

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết từ ngày 22/4 đến 28/4, do ảnh hưởng bởi nắng nóng, nhu cầu phụ tải ở mức cao, sản lượng trung bình ngày đạt 946,6 triệu kWh, cao hơn tuần trước 65,4 triệu kWh. Riêng miền Bắc phụ tải bình quân tăng 31,7 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó.

Đặc biệt, trong tuần, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã được thiết lập. Cụ thể, vào lúc 13h30 ngày 27/4, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670MW; sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4 lên tới 993,9 triệu kWh.

So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng ngày 26/4 của hệ thống điện quốc gia tăng 23,1%; sản lượng điện hệ thống điện miền Bắc tăng 35,5%; công suất cực đại hệ thống điện quốc gia ngày 27/4 tăng 20,2%; công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc tăng 19,9%.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 1.
Tiêu thụ điện đang liên tục lập đỉnh mới (Ảnh: EVN).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung 8,5%, miền Nam 11,7%).

Mặc dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao nhưng Cục Điều tiết điện lực khẳng định tình hình cung ứng điện vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.

Trong tuần, trào lưu truyền tải trên lưới điện 500kV vẫn theo hướng từ Trung ra miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Mức truyền tải nặng nhất trên các đường dây 500kV Nho Quan - Nghi Sơn - Hà Tĩnh, Vĩnh Tân - Sông Mây (95%), Vĩnh Tân - Tân Uyên (92%).

Mẹo tiết kiệm điện khác trong sinh hoạt 

1. Các tổ chức tiết kiệm năng lượng điện luôn kêu gọi chúng ta nên chuyển sang sử dụng đèn led. Bạn có biết rằng so với đèn sợi đốt, đèn led sử dụng năng lượng điện ít hơn đến 75%. Nhờ vậy mà gia đình bạn sẽ cắt giảm được một khoản đáng kể trong hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 2.

2. Có một lời nhắc nhở quen thuộc mà chúng ta đều biết ngay khi còn đi học đó chính là hãy tắt mọi thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng. Tuy nhiên trên thực tế không phải gia đình nào cũng làm được điều này. Việc mở các thiết bị điện ngay cả khi không có người cũng là nguyên nhân đẩy chi tiêu tiền điện hàng tháng tăng cao.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 3.

3. Đun sôi lượng nước đủ dùng cũng là cách đơn giản giúp bạn cắt giảm chi phí tiền điện cho gia đình. Nhiều người có thói quen đổ đầy bình đun nước bằng điện khi cần dùng đến nước nóng. Trong khi đó, lượng nước sôi bạn cần sử dụng lại không nhiều đến thế. Điều này vừa gây lãng phí điện vừa khiến bạn mất nhiều thời gian.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 4.

4. Sẽ tiết kiệm điện được nhiều hơn nếu bạn chờ đợi thực hiện một lần giặt với lượng quần áo nhiều hơn thay vì chỉ đổ đầy một nửa máy giặt. Máy giặt là một thiết bị sử dụng khá nhiều điện trong quá trình hoạt động. Vì vậy, áp dụng cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ cho gia đình.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 5.

5. Dù được quảng cáo chạy tiết kiệm điện đến mức nào đi chăng nữa thì máy sấy quần áo vẫn là một thiết bị sử dụng rất nhiều điện năng. Bạn sẽ thấy hóa đơn tiền điện giảm đi đáng kể nếu không sử dụng máy sấy quần áo thường xuyên. Thay vào đó, bạn hãy tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên từ mặt trời để làm khô quần áo.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 6.

6. Một điều mà mọi chị em nội trợ cần phải biết chính là tủ lạnh đang lưu trữ đầy thực phẩm bên trong sẽ sử dụng ít năng lượng hơn tủ lạnh trống với cùng điều kiện tần suất đóng mở cửa. Vì thế, hãy luôn giữ đầy tủ lạnh bằng cách cho thêm những chai nước mát khi không có nhiều thực phẩm cần lưu trữ bên trong. Bạn biết rằng lượng điện mà tủ lạnh tiêu thụ là không ít và với cách làm này thì bạn đã tiết kiệm được một phần tiền điện cần chi trả cho gia đình rồi đó.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 7.

7. Hãy giữ cho chiếc bếp điện của gia đình bạn luôn sạch sẽ để tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Bất kỳ thực phẩm hay dầu mỡ bám trên bề mặt bếp điện đều sẽ hấp thụ nhiệt và làm bếp của bạn hoạt động kém hiệu quả hơn.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 8.

8. Lựa chọn sơn tường gam màu tươi sáng cũng giúp bạn tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ hàng tháng. Những căn phòng được sơn tường sáng sẽ cần ít đèn để chiếu sáng hơn, trong khi các gam màu tối thì ngược lại.

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 9.

Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện nhiều người không biết

Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện: Không nên đóng kín cửa, đừng bật dưới 25 độ

Theo các chuyên gia, để tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa, bạn nên để nhiệt độ điều hòa ở mức chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài từ 6 tới 10°C.

Như vậy có nghĩa là, khi nhiệt độ bên ngoài ở mức 40°C thì việc bật điều hòa ở mức 30°C sẽ giúp tiết kiệm điện mà vẫn đủ độ mát. Còn trong trường hợp bạn đặt mức nhiệt dưới 25°C thì máy sẽ phải hoạt động hết công suất và chắc chắn sẽ rất tốn điện.

Tuy nhiên, nếu như nhiệt độ bên ngoài phòng chỉ khoảng 30 - 35 độ, bạn nên đặt nhiệt độ điều hòa khoảng 26 - 28 độ để tiết kiệm điện. Nếu để điều hòa ở 30 độ, cục nóng điều hòa đóng ngắt liên tục. Mỗi khi khởi động cục nóng sẽ tiêu tốn một lượng điện năng khá lớn.

Còn khi bạn cài đặt điều hòa ở mức nhiệt độ thấp khoảng dưới 16 độ C sẽ khiến chúng phải hoạt động liên tục với công suất tối đa để đưa căn phòng đạt được mức nhiệt độ như bạn mong muốn. Nếu điều này được thực hiện liên tục trong thời gian dài có thể làm tăng số điện năng tiêu thụ hàng tháng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với việc cài đặt mức nhiệt ở mức độ thông thường từ 25 - 27 độ C.

Đồng thời, theo chuyên gia bộ năng lượng Mỹ, nhiệt độ tốt nhất khi sử dụng điều hòa là ở mức từ 24 - 27 độ C. Nhưng đây là mức nhiệt độ nên sử dụng cho ban ngày, còn ban đêm nên ở mức 28 độ C. Lý do là bởi:

Ban đêm nhiệt độ trung bình có xu hướng giảm, đồng thời cơ thể cũng sẽ không cần vận động nhiều như ban ngày. Do đó cơ thể sẽ không tiết nhiều mồ hôi nên nếu bạn để mức nhiệt như ban ngày sẽ dễ bị cảm lạnh hơn. Ngoài ra còn khiến bạn sẽ dễ bị chuột rút khi đi ngủ.

Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn chỉnh nhiệt độ lên mức 28 độ còn giúp tiết kiệm năng lượng đến 10% hóa đơn tiền điện.

Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện: Để ý tới vị trí lắp đặt

Tránh lắp đặt điều hòa ở vị trí có nhiệt độ cao

Nhiều người cho rằng, lắp đặt điều hòa ở vị trí có nhiệt độ cao sẽ giúp căn phòng được làm mát nhanh hơn, người dùng sẽ nhanh chóng được trải nghiệm bầu không khí thoải mái, nhất là vào những ngày trời nắng nóng. Thực chất quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Việc lắp đặt điều hòa ở vị trí có nhiệt độ cao như sát trần nhà, lắp điều hòa ở bên tường có nắng chiếu trực tiếp…sẽ khiến máy nén của dàn nóng phải hoạt động nhiều hơn, tiêu thụ nhiều điện năng hơn để thải nhiệt nóng ra ngoài môi trường. Tình trạng này kéo dài nhất là vào những ngày nắng nóng có thể dẫn tới hiện tượng máy nén bị quá tải và cháy block.

Vì vậy, bạn nên lựa chọn vị trí lắp đặt điều hòa phù hợp tại nơi thoáng đãng, tránh ánh nắng trực tiếp để thiết bị từ từ làm mát căn phòng. Vào những ngày trời nắng nóng, có thể sử dụng thêm quạt để tăng hiệu quả làm mát.

Tránh đặt điều hòa hướng thẳng vào vị trí giường ngủ

Tiêu thụ điện tăng vọt, người dân chú ý tiền điện cuối tháng và các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả- Ảnh 10.
Tránh lắp điều hòa thổi thẳng vào giường ngủ.

Để nhanh chóng được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, dễ chịu, nhiều người dùng thường lắp điều hòa hướng thẳng vào vị trí giường ngủ. Việc làm này một mặt giúp bạn trải nghiệm bầu không khí dễ chịu nhanh chóng nhưng mặt khác lại có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Bởi lẽ càng về đêm nhiệt độ càng giảm, khi bật điều hòa hướng thẳng vào giường ngủ khiến người dùng dễ bị thức giấc lúc nửa đêm vì quá lạnh hoặc dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi…

Với trường hợp này, bạn nên lắp điều hòa bên phải hoặc bên trái giường ngủ, bên trên, bên trái hoặc bên phải cửa ra vào, tránh hướng gió thổi của thiết bị thổi thẳng vào vị trí người nằm ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Tránh bật điều hòa 24/24

Vào mùa hè, nhất là những ngày đỉnh điểm nắng nóng, chiếc điều hòa của gia đình luôn phải hoạt động hết công suất 24/24 để duy trì bầu không khí thoải mái trong phòng. Việc bật điều hòa liên tục trong thời gian dài trong phòng kín là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người dùng bị đau đầu, chóng mặt, khô da… khi sử dụng điều hòa.

Giải pháp được đưa ra trong trường hợp này là sau 1-2 tiếng sử dụng điều hòa hoặc khi trời dịu mát hơn, bạn nên mở cửa sổ để làm thông thoáng bầu không khí trong phòng, hoặc sử dụng quạt thay thế khi trời đã dịu mát…

Tránh bật-tắt điều hòa liên tục

Một số người dùng có thói quen tắt điều hòa khi phòng đã đủ độ lạnh, bật lại khi nhiệt độ phòng tăng lên vì nghĩ rằng như vậy sẽ tiết kiệm điện năng hơn. Thực tế việc làm này sẽ khiến điều hòa tiêu tốn nhiều điện năng hơn để khởi động lại động cơ và máy nén khi hệ thống bật-tắt liên tục.

Không chỉ hao phí nhiều điện năng, việc làm này còn ảnh hưởng tới độ bền của máy nén và hệ thống, dễ gặp sự cố trong quá trình sử dụng…

Tránh để điều hòa cả đêm

Ban đêm, khi mà cơ thể bạn không đòi hỏi mức nhiệt quá thấp, thậm chí mát lạnh như ban ngày. Cố gắng tắt điều hòa nhiệt độ khi ngủ hoặc tắt trước khi ngủ 1 - 2 giờ. Như vậy, thời gian hoạt động của máy sẽ ít hơn.

Tránh tắt máy điều hòa khi phòng đã đủ lạnh

Để tiết kiệm điện, nhiều người có thói quen khi phòng đã đủ lạnh thì lập tức tắt máy điều hòa, và bật lại khi nhiệt độ phòng tăng lên! Có trường hợp chỉ bật máy lạnh 15 phút, phòng hơi lạnh một chút thì tắt, 15 phút sau bật lại.

Thực tế, đây là một sai lầm kiểu “tính già hóa non”, vì khi khởi động lại, máy điều hòa “ngốn” rất nhiều điện năng. Thay đổi trạng thái nóng-lạnh liên tục cũng làm cơ thể bạn khó chịu.

Cách hợp lý nhất là nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức ổn định, chứ không nên tắt hẳn máy điều hòa. Chênh lệch nhiệt độ lý tưởng giữa nhiệt độ phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài là khoảng 7 độ C.

Chỉ bật điều hòa mà không dùng tới quạt

Chúng ta nên sử dụng quạt để lưu thông khí mát đều khắp phòng. Chúng tiêu thụ ít năng lượng hơn điều hòa. Vì thế, sử dụng quạt thay thế những khi không quá nóng luôn là ý tưởng tuyệt vời.