9 lầm tưởng phổ biến về việc ăn trái cây
Các lầm tưởng đó là chỉ nên ăn trái cây khi bụng đói, uống nước ép trái cây là đủ, người tiểu đường phải tránh ăn hoa quả.
1. Nếu ăn trái cây trong bữa ăn, bạn không thể hấp thụ hết chất dinh dưỡng từ trái cây
Lý thuyết này cho rằng nếu bạn ăn trái cây trong bữa ăn thì chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi. Sự thật là hệ thống tiêu hóa của con người hấp thụ chất dinh dưỡng thực phẩm rất hiệu quả. Khi bạn ăn, mỗi lần dạ dày chỉ bài tiết một ít thức ăn, giúp ruột có cơ hội hấp thụ càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt.
Ruột non của bạn dài khoảng 6 m, giúp nó có đủ thời gian và chiều dài để hấp thụ chất dinh dưỡng trong quá trình tiêu hóa. Điều này có nghĩa là hệ tiêu hóa của bạn không gặp vấn đề gì trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ trái cây, cho dù bạn có ăn nó trong bữa ăn hay không.
2. Bạn chỉ có thể ăn trái cây khi bụng đói
Người ta cho rằng ăn trái cây trong bữa ăn có thể khiến quá trình tiêu hóa chậm lại và thức ăn bị phân hủy trong dạ dày. Do đó, họ tin rằng chỉ có thể ăn trái cây khi bụng đói.
Sự thật là mặc dù chất xơ trong trái cây có thể làm chậm quá trình di chuyển thức ăn từ dạ dày, lý thuyết trên kia là chưa đúng sự thật. Trái cây làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn vào ruột non nhưng không làm chậm quá trình tiêu hóa. Trên thực tế, việc làm chậm quá trình tiêu hóa có tác dụng tích cực. Chất xơ trong trái cây giúp bạn no lâu hơn.
3. Thời điểm ăn trái cây tốt nhất là 6 tiếng sau khi thức dậy
Người ta thường tin rằng tốc độ trao đổi chất của một người giảm vào khoảng giữa trưa và việc ăn thực phẩm giàu đường như trái cây sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, hệ thống tiêu hóa có khả năng làm việc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Câu nói nên ăn trái cây vào buổi chiều không nên được coi trọng. Ăn trái cây bất cứ lúc nào cũng tốt cho cơ thể bạn.
4. Không nên ăn trái cây trước khi đi ngủ vì tăng đường trong máu
Một số người tin rằng ăn trái cây trước khi đi ngủ sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Điều này có thể dẫn đến tăng cân vì cơ thể không có thời gian để ổn định lượng đường trong máu trước khi đi ngủ.
Sự thật là sau khi bạn chìm vào giấc ngủ, cơ thể bạn không chuyển từ đốt cháy calo sang tích trữ mỡ. Bạn vẫn sẽ đốt cháy calo để duy trì các chức năng cơ thể. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy ăn trái cây vào những thời điểm nhất định trong ngày sẽ gây tăng cân.
Tuy nhiên, ăn hai phần trái cây và nhiều rau trong ngày sẽ làm giảm tỷ lệ chất béo và giảm cân.
5. Người tiểu đường không được ăn trái cây
Nhiều người lo ngại rằng hàm lượng đường trong trái cây có thể làm tăng lượng đường trong máu và người bị tiểu đường không được ăn trái cây. Tuy nhiên, hầu hết các loại trái cây đều có chỉ số đường huyết từ thấp đến trung bình nên chúng không gây tăng đột biến lượng đường trong máu như các loại thực phẩm chứa carbohydrate khác, chẳng hạn như bánh mì trắng hoặc các sản phẩm bánh mì tinh chế.
Kiểm soát bệnh tiểu đường có liên quan đến việc khống chế lượng đường trong máu, lipid máu, huyết áp và cân nặng. Trái cây và rau quả có thể đóng một vai trò tích cực trong việc kiểm soát đường huyết.
6. Không có sự khác biệt giữa trái cây tươi và khô
Theo quan niệm này, không có sự khác biệt về hàm lượng dinh dưỡng của trái cây tươi và trái cây khô nên chúng có thể ăn thay thế cho nhau.
Sự thật là cả trái cây tươi và khô đều có những lợi ích sức khỏe riêng. Trái cây tươi chứa nhiều khoáng chất và vitamin C. Trái cây sấy khô là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ tốt. Nó cũng chứa nhiều đường tự nhiên và calo hơn trái cây tươi. Điều quan trọng là bạn chỉ nên chọn trái cây sấy khô đơn giản chứ không phải những loại được phủ đường hoặc có thêm chất bảo quản, điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của chúng.
7. Nước ép tốt cho sức khỏe hơn là ăn quả tươi
Một số người cho rằng uống nước ép trái cây tốt hơn ăn quả tươi vì cơ thể có thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn và cũng giúp hệ tiêu hóa không phải tiêu hóa chất xơ. Họ cũng cho rằng nước ép làm giảm nguy cơ ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch, loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân.
Sự thật là nước ép không tốt cho sức khỏe hơn ăn trái cây tươi. Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho tuyên bố rằng ép trái cây tốt cho sức khỏe hơn ăn quả tươi. Trong khi nước ép chứa hầu hết các vitamin, khoáng chất và chất phytochemical có trong trái cây thì quả tươi cũng chứa chất xơ lành mạnh (thứ bị mất đi trong quá trình ép nước). Chất xơ cũng khiến bạn no nhanh hơn. Đó là lý do vì sao bạn cần vài quả táo cho một ly nước ép, nhưng nếu bạn ăn cả quả thì một quả táo là đủ.
8. Trái cây chứa đường xấu
Sự thật là khi ăn trái cây tươi, đường trong trái cây sẽ mang tới lợi ích cho cơ thể khi được tiêu thụ cùng với các chất dinh dưỡng khác và bổ sung lượng đường fructose tối thiểu vào chế độ ăn. Ngoài ra, trái cây còn chứa chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu.
Đồng thời, trên thực tế, rất có thể bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường fructose thông qua đồ uống có đường như soda, đồ uống cà phê có đường hoặc nước trái cây.
9. Nước ép trái cây có thể loại bỏ độc tố khỏi cơ thể
Nhiều người tin rằng nước ép trái cây giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, giúp các cơ quan nội tạng hoạt động tốt hơn.
Sự thật là không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào chứng minh cho tuyên bố về nước ép giải độc. Nước ép trái cây không có chất xơ. Vì thế, chỉ uống nước ép trái cây mà không ăn rau quả tươi trong vài ngày không phải là một ý kiến hay.
Tuy nhiên, những đồ uống này không hẳn là xấu. Các loại nước ép giàu trái cây, rau, quả hạch và hạt trong chế độ ăn uống của bạn mà không thay thế hoàn toàn bữa ăn có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe và khuyến khích hệ thống giải độc tự nhiên của cơ thể. Điều này không chỉ tạo ra sự cân bằng tổng thể mà còn giúp bạn đáp ứng chế độ ăn uống hàng ngày được khuyến nghị. Chọn trái cây xay nhuyễn thay vì nước ép để bảo quản chất xơ.
Hằng Trần (Theo Gleneagles)