Dậy thì sớm gia tăng, phương pháp nào để điều trị?
PLBĐ - Tại Việt Nam, tình trạng dậy thì sớm đang ngày càng trẻ hóa và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Độ tuổi dậy thì đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai.
Dậy thì sớm đang gia tăng
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ dậy thì sớm hiện nay đã tăng 35 lần so với 10 năm trước. Các báo cáo gần đây tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ đang tăng lên rõ rệt. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ bé gái có kinh nguyệt trước 12 tuổi là 21,4% (năm 2001) nhưng đã tăng lên 34,6% (năm 2010/2011).
Tại Việt Nam, tình trạng dậy thì sớm đang ngày càng trẻ hóa và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, bệnh viện đã tiếp nhận 694 bệnh nhi dậy thì sớm đến khám, trong đó có 21 bé trai, còn lại là bé gái. Trong khi đó, giai đoạn 1991 – 1995 chỉ ghi nhận có 14 bệnh nhi dậy thì sớm. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ dậy thì sớm đến bệnh viện khám tăng gấp đôi. Trước đây mỗi tháng chỉ khoảng 20 - 30 ca dậy thì sớm có chỉ định điều trị thì nay khoảng 50 - 60 ca, mỗi năm bệnh viện có khoảng 600 - 700 trẻ dậy thì sớm đến khám.
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm là do cơ thể có một số đột biến gen, yếu tố môi trường và các chất gây rối loạn nội tiết là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm; Do trẻ tiếp xúc với hóa chất gây rối loạn nội tiết, một số các loại chất dẻo và thuốc trừ sâu; Béo phì có mối liên quan rất cao với dậy thì sớm. Bác sĩ Wenyan Li (Đại học Y Trùng Khánh, Trung Quốc) đã làm 11 nghiên cứu với 4841 trẻ có biểu hiện dậy thì sớm và đưa ra kết luận nhóm trẻ béo phì có nhiều trẻ dậy thì sớm hơn so với nhóm cân nặng bình thường.
Tác hại của dậy thì sớm
Theo BS. Tâm Anh, dậy thì sớm sẽ gây ra những tác hại sau:
Ảnh hưởng về tâm lý: Những thay đổi trên cơ thể của bé gái dậy thì sớm có thể làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý khi trưởng thành.
Hạn chế chiều cao: Trẻ dậy thì khi quá sớm sẽ có giai đoạn dậy thì ngắn. Ban đầu, trẻ sẽ phát triển nhanh, cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng giai đoạn tăng trưởng ấy không kéo dài và khi giai đoạn ấy kết thúc, trẻ cũng chậm phát triển.
Ảnh hưởng kết quả học tập: Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học, dẫn đến kết quả học tập kém.
Nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang: Chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.
Quan hệ tình dục sớm: Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Bé còn quá nhỏ, nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ quan hệ tình dục và chịu hậu quả từ việc này, để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Phân loại các dạng dậy thì sớm
Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, có nhiều cách phân loại hiện tượng dậy thì sớm. Phổ biến nhất là tình trạng dậy thì sớm trung ương, xảy ra khi não bộ khởi động quá trình dậy thì bằng cách kích thích giải phóng sớm nhiều loại hormone khác nhau kéo theo đó là sự hoạt động sớm của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục.
Dậy thì sớm ngoại vi ít gặp hơn, trong đó, các hormone steroids sinh dục tăng cao do bệnh lý tuyến sinh dục hay thượng thận, một số trường hợp đặc biệt có thể do bài tiết lạc chỗ các hormone hướng sinh dục. Vậy, các bác sĩ sẽ làm gì để có thể chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cho những trường hợp dậy thì sớm?
Để chẩn đoán dậy thì sớm, bác sĩ sẽ hỏi và thực hiện một số test kiểm tra, bao gồm: Hỏi tiền sử gia đình; Khám tổng thể để đánh giá những thay đổi về mặt sinh lý và thể hình cơ thể; Xét nghiệm máu để đo mức nồng độ một số hormone và tuyến giáp; Chụp X-quang, thường ở cẳng tay và cổ tay để kiểm tra tuổi xương của trẻ; Chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ. Cách này đôi khi được sử dụng để kiểm tra các vấn đề bệnh lý gây dậy thì sớm trung ương như là khối u. Tuy nhiên biện pháp này không nên áp dụng rộng rãi cho mọi trẻ em; Siêu âm buồng trứng có thể có ích trong một số trường hợp.
Phương pháp điều trị
Cũng theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt, đối với dậy thì sớm trung ương, hợp chất tương tự như hormone GnRH là liệu pháp điều trị chuẩn hiện nay. Chất này có tác dụng ức chế việc tiết các hormone của tuyến yên làm thúc đẩy quá trình dậy thì. Thuốc này được sử dụng bằng nhiều cách: tiêm bắp mỗi tháng một lần; hoặc tiêm dưới da hàng ngày; hoặc cấy dưới da mặt trong cánh tay dưới dạng tuyp nhỏ sẽ giải phóng dần dần vào cơ thể. Ngoài ra còn có dạng thuốc xịt mũi dùng hàng ngày, nhưng ít phổ biến.
Sử dụng hợp chất tương tự GnRH có những tác dụng phụ nhẹ như đau đầu, các triệu chứng của mãn kinh (như nóng bừng mặt), và áp-xe tại vị trí tiêm. Không có bằng chứng cho thấy những chất này sẽ gây ra những vấn đề lâu dài.
Các biện pháp điều trị dậy thì sớm trung ương khác bao gồm:
Progestin: tiêm progestin cũng được coi là biện pháp điều trị chuẩn cho dậy thì sớm trung ương. Tuy nhiên thuốc này kém tác dụng hơn so với hợp chất tương tự GnRH.
Các biện pháp khác là phẫu thuật và xạ trị có thể cần thiết trong trường hợp dậy thì sớm trung ương được kích hoạt do một khối u ở não. Việc cắt bỏ khối u không phải luôn luôn giải quyết được tất cả các triệu chứng.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt cũng cho hay, các biện pháp nêu trên có tác dụng duy trì trong bao lâu phụ thuộc vào mỗi cá nhân và tốc độ lớn của trẻ. Một vài nghiên cứu cho rằng các biện pháp này sẽ không có tác dụng khi trẻ trên 11 tuổi.
Ngoài ra, việc điều trị dậy thì sớm trung ương có hiệu quả khá tốt nhưng không phải áp dụng cho mọi trẻ em. Một số điều bác sĩ sẽ phải cân nhắc là thời điểm kể từ lúc chẩn đoán: Sau khi quan sát thấy những dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ có thể phải đợi tới 6 tháng trước khi quyết định điều trị cho trẻ. Bởi vì ở một số trẻ có dấu hiệu rõ ràng của dậy thì sớm, các triệu chứng lại có dấu hiệu chậm lại hay tự chấm dứt. Khi đó việc điều trị sẽ không cần thiết;
Trẻ càng nhỏ thì bác sĩ càng khuyến cáo điều trị. Một cô bé 7 tuổi rưỡi với dấu hiệu dậy thì sớm có thể không cần điều trị bởi đây là độ tuổi khá gần với thời điểm bình thường của dậy thì. Việc điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt hơn đối với trẻ khoảng 5 – 6 tuổi;
Tốc độ dậy thì là mấu chốt của vấn đề. Nếu một cô bé có dấu hiệu của phát triển ngực nhưng quá trình này xảy ra chậm thì bác sĩ có thể khuyến cáo không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tốc độ phát triển quá nhanh – thậm chí với cả trẻ lớn thì điều trị có thể là điều cần thiết;
Nếu không được điều trị, phần lớn trẻ bị dậy thì sớm trung ương sẽ đạt tới chiều cao trung bình như người lớn. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ có nguy cơ bị lùn khi trưởng thành, nhất là những trẻ dưới 6 tuổi và những trẻ thấp hơn so với tuổi trung bình khi chúng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu này. Đối với những trẻ này thì bác sĩ sẽ khuyên nên điều trị;
Sự trưởng thành về mặt cảm xúc có liên quan tới tuổi, nhưng đó là một vấn đề riêng biệt. Một vài trẻ sẽ có khoảng thời gian khó khăn do những thay đổi về thể chất và cảm xúc ở tuổi dậy thì. Một số bé gái sẽ cảm thấy bối rối hay sợ hãi khi kinh nguyệt xuất hiện.
Đối với trường hợp dậy thì sớm ngoại biên, việc điều trị hoàn toàn khác, phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Trong một số trường hợp, cần thiết phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng hay tinh hoàn. Đôi khi thuốc điều trị cũng có tác dụng tốt.