Có nên lấy cao răng hay không?

Mai Nguyên 17/10/2022 10:39

PLBĐ - Các nha sĩ khuyên nên thường khuyên đi cạo vôi và đánh bóng răng khoảng 6 tháng một lần.

Theo Bs. Nguyễn Ngọc Bảo, cao răng và mảng bám vi khuẩn - là thủ phạm gây bệnh nha chu. Việc kiểm soát ngăn ngừa sự xuất hiện của cao răng và loại bỏ cao răng một khi chúng được hình thành là chìa khóa chính trong việc phòng ngừa bệnh nha chu.

Nếu vệ sinh sinh răng miệng không tốt, vi khuẩn trong miệng kết hợp với mảnh vụn thức ăn tạo thành một màng dính gọi là mảng bám răng. Mảng bám răng bám chặt vào răng và khi nào tồn tại đủ thời gian sẽ lắng đọng các chất khoáng trong nước bọt hình thành cao răng.

Mức độ nhẹ là sẽ gây viêm nướu (sưng, đỏ, chảy máu…). Bệnh viêm nướu có thể phục hồi trở lại nếu như vôi răng được loại bỏ và duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách. Nếu viêm nướu không được điều trị, cao răng hình thành nhiều và tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến viêm nha chu.

Có nên lấy cao răng hay không? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Khi đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phóng thích các hóa chất để chống lại vi khuẩn và những sản phẩm của vi khuẩn. Kết quả của quá trình "đánh nhau" này là gây tổn hại xương và các mô nha chu có tác dụng nâng đỡ và giữ ổn định răng trên cung hàm. Mô nha chu bị suy yếu, không thể giữ được răng, dẫn đến răng lung lay và hậu quả cuối cùng là bị mất răng.

Các vi khuẩn trong bệnh nha chu cũng liên quan đến bệnh tim và một số bệnh toàn thân khác.

Có nên lấy cao răng không?

Lấy cao răng là làm sạch các mảng bám, vôi răng trên nướu rớt ra bằng cách sử dụng độ rung sóng siêu âm từ đầu của dụng cụ cạo vôi.

Các nha sĩ khuyên nên thường khuyên đi cạo vôi và đánh bóng răng khoảng 6 tháng một lần. Đối với trường hợp bệnh nhân bị bệnh nha chu nặng thì có thể cạo 3 tháng một lần, tùy theo chỉ định của nha sĩ. Còn nếu chải răng đúng cách và đều đặn, đúng thời điểm, hạn chế khả năng hình thành vôi răng thì có thể chỉ cần cạo vôi răng một lần mỗi năm.

Thực tế, việc lấy vôi răng chỉ là những tác động bên ngoài để đánh bay toàn bộ lớp cao răng và hoàn toàn không để lại bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến sức khỏe. Đối với những lần đầu làm hoặc thuộc tuýp răng nhạy cảm, bạn có thể cảm thấy hơi buốt răng trong quá trình cạo. Tuy nhiên, trình trạng này sẽ biến mất trong khoảng 12 - 36 tiếng mà không cần phải can thiệp bằng thuốc.

Một số bạn cảm thấy hoang mang khi chân răng chảy máu trong lúc cạo vôi răng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biểu hiện bình thường do lớp cao răng quá dày và bám sâu và chân răng nên trong quá trình cạo sạch vôi sẽ tác động nhẹ tới phần nướu. Ngoài ra, những bạn thuộc tuýp răng nhạy cảm thường dễ bị chảy máu chân răng khi có tác động từ bên ngoài.

Một số biện pháp tự nhiên giúp loại bỏ cao răng

Dùng chanh

Dùng nước ép của ½ quả chanh, ½ cốc nước ấm (125 ml). Đổ nước ấm vào cốc, thêm nước chanh, khuấy đều.

Súc miệng trước khi đi ngủ. Súc miệng lại với một chút nước ấm để không bị chua miệng.

Lưu ý, axit trong chanh có thể làm hỏng hoặc làm răng yếu đi, vì vậy bạn chỉ nên áp dụng công thức này, tối đa là một lần một tuần.

Có nên lấy cao răng hay không? - Ảnh 2.

(Ảnh Internet)

Dùng hạt vừng (mè)

Hạt vừng rất lý tưởng để loại bỏ chất bẩn tích tụ trên răng. Bạn chỉ cần lấy một thìa, nhai chậm rãi trong một hoặc hai phút. Sau đó, nhổ ra và thực hiện đánh răng bình thường.

Rau mùi tây

Dùng một nắm lá mùi tây (20 g), một thìa nước (10 ml). Rửa sạch và xay nhỏ lá mùi tây. Sau đó, trộn với nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt, đắp hỗn hợp lên răng và giữ nguyên trong khoảng 5 phút. Rửa sạch bằng nhiều nước ấm.

Sử dụng trái cây

Ăn: Táo, dưa và dâu tây là ba lựa chọn để có nướu răng khỏe mạnh, tránh tích tụ thức ăn và ngăn ngừa chảy máu xuất hiện khi đánh răng. Tuy nhiên, cần lưu ý táo nên ăn cả vỏ để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chà xát răng: Dâu tây và dưa đều có thể được sử dụng đơn giản bằng cách cắt chúng thành từng lát và chà xát trực tiếp lên răng trước mỗi bữa ăn.

Ngoài ra, bạn có thể dùng vỏ một số loại trái cây (cam và chuối) chà xát lên răng trong khoảng 2-3 phút trước và sau khi ăn để chăm sóc răng miệng, loại bỏ cao răng.

Mai Nguyên