Thực hư tác dụng của lá đu đủ trong phòng và điều trị ung thư
Lá đu đủ khô có tác dụng ức chế tăng trưởng của một số tế bào khối u, điều chỉnh các gene liên quan đến chống khối u.
Đu đủ là cây ăn quả trồng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại các nước vùng nhiệt đới. Toàn thân cây đu đủ đều có thể sử dụng được để làm thực phẩm hoặc thuốc, mỹ phẩm.
Có nhiều thông tin lá đu đủ chữa ung thư nên một số bệnh nhân đi lấy loại lá này về nấu nước uống. Hiện nay, lá đu đủ cũng được sử dụng để nấu ăn, làm thuốc ở một số nơi.
Theo nghiên cứu, lá đu đủ chứa 1 lượng nhỏ protein, lipid, carbohydrate, chất xơ, betacaroten, vitamin (B1, B2, B3, B6, B9, C) và chất khoáng (canxi, magie, sắt, phốt pho).
Lá cũng chứa một số chất sinh học có tác dụng chống oxy hóa, giảm sốt (flavonoid, comaurin), đề kháng ung thư (cyanogenic glycoside), chống đái tháo đường (quinones).
Lá đu đủ cũng đang được nghiên cứu về ảnh hưởng và tác dụng với bệnh lý. Một nghiên cứu trong ống nghiệm với dịch chiết xuất từ lá đu đủ khô cho thấy chúng có tác dụng ức chế tăng trưởng của một số tế bào khối u, điều chỉnh các gene liên quan đến chống khối u.
Tuy nhiên, việc tách chiết lá đu đủ cần nhiều công đoạn đòi hỏi kỹ thuật. Sử dụng chiết xuất từ lá đu đủ trên chuột ghi nhận có ảnh hưởng đến hình thể bào thai ở chuột cái và có làm tăng men gan ở chuột.
Nghiên cứu đánh giá thực nghiệm nhận thấy chiết xuất từ lá đu đủ có xu hướng ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng.
Lá đu đủ mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, loại rau này cũng có nguy cơ gây hại. Khi sử dụng lá đu đủ nhiều có thể xảy ra tương tác giữa thuốc với thảo và một số loại thuốc điều trị bệnh lý đái tháo đường và một số thuốc kháng sinh.
Chất papain trong lá đu đủ có nguy cơ gây kích ứng dạ dày, người bị viêm loét dạ dày không nên ăn.
Nếu người khỏe mạnh, bạn có thể ăn lá đu đủ như một món rau nhưng ăn vừa đủ. Không tự ý sử dụng nước ép từ lá đu đủ tự nhiên cho việc điều trị bệnh lý mà không có sự khuyến cáo từ nhân viên y tế.
Dùng lá đu đủ làm rau ăn bạn nên chọn loại nằm trên phần ngọn với màu sắc xanh nhạt, lá tươi mới nhưng không non quá và đồng màu ở mọi phía. Đọt lá cầm chắc tay, cứng cáp, ngọn còn tiết nhựa vì đó là lá non vừa mới hái.
Theo VietNamnet