Công dụng tuyệt vời và những bài thuốc từ củ nghệ
PLBĐ - Nghệ được sử dụng như một vị thuốc phổ biến từ rất lâu đời trong y học. Vậy củ nghệ có những công dụng tuyệt vời như thế nào, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nghệ được sử dụng như một vị thuốc phổ biến từ rất lâu đời trong y học. Thân rễ nghệ vàng và nghệ đen thu hái vào mùa thu đông, cắt bỏ rễ nhỏ, rửa sạch đất cát, thái lát, phơi hoặc sấy khô. Trong Đông y gọi là khương hoàng (nghệ vàng), nga truật (nghệ đen).
Nghệ vàng và nghệ đen đều có vị cay đắng tính ấm, lợi về kinh Can và Tỳ, được dùng để điều trị trong các trường hợp bị đòn ngã tổn thương ứ máu, viêm gan, vàng da, viêm dạ dày, mụn nhọt, phong thấp, tay chân đau nhức. Nghệ còn được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ, chữa bế kinh, tích huyết tử cung sau sinh. Dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong điều trị táo bón. Ngày uống 2-6g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.
Nghệ tươi giã nát, lấy nước bôi lên ung nhọt, vết thương ngoài da, tránh để lại sẹo. Các nhà khoa học nước ngoài còn nghiên cứu thấy nghệ đen có khả năng chống ung thư. Ở một số nước, nghệ còn được dùng chữa ho, hỗ trợ điều trị lao phổi.
Dưới đây là một số công dụng của củ nghệ:
Giúp cải thiện trí nhớ
Nghiên cứu được thực hiện ở các quần thể người châu Á đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều cà ri có sự cải thiện về nhận thức (thông qua các xét nghiệm đo lường trí nhớ, sự chú ý…) hơn so với những người không ăn nhiều gia vị này. Các nhà khoa học đã ghi nhận lợi ích này đối với nghệ, và đó là lý do nghệ là một phần quan trọng trong chế độ ăn của người châu Á.
Một nghiên cứu hồi tháng 3/2018 được thực hiện ở những người từ 51 đến 84 tuổi cho thấy rằng, những người dùng một chất bổ sung curcumin 90 milligram hai lần một ngày trong 18 tháng đã tăng cường trí nhớ so với những người dùng giả dược. Mặc dù, vẫn cần nhiều nghiên cứu nữa để xác nhận điều này, nhưng các nhà khoa học tin rằng tác dụng chống viêm của chất curcumin có thể bảo vệ não khỏi các bệnh liên quan đến trí nhớ như bệnh Alzheimer.
Ngăn ngừa bệnh tim
Y học hiện đại cũng đã chứng minh nghệ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, chứng phì đại tim, hồi phục chức năng tim và giảm việc hình thành sẹo.
Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pharmacology của Mỹ cũng cho thấy, không những nghệ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch mà chiết xuất curcumin từ nghệ còn giúp giảm 65% nguy cơ đau tim ở những người mới trải qua phẫu thuật tim.
Chống lại một số bệnh ung thư
Một đánh giá năm 2015 được công bố trên tạp chí Molecules kết luận rằng chất curcumin có khả năng chống lại một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết nghiên cứu về vấn đề này được tiến hành trong các nghiên cứu in vitro, đã chứng minh curcumin giúp ngăn chặn hoặc làm chậm hoạt động của một số tế bào ung thư.
Giảm đau xương khớp
Một đánh giá nghiên cứu năm 2016 của các nhà khoa học cho thấy, uống curcumin trong 4 tuần có thể giúp giảm đau xương khớp có thể so sánh với việc dùng NSAID hoặc glucosamine.
Cải thiện bệnh hen phế quản
Có một số bằng chứng cho thấy, bổ sung nghệ hàng ngày có thể giúp cải thiện bệnh hen phế quản, phần lớn là nhờ tác dụng chống viêm của nó.
Khi nghiên cứu tác dụng của nghệ với bệnh hen, các nghiên cứu chủ yếu xem xét các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của curcumin, hợp chất hoạt động chính của nghệ.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Chẩn đoán và Lâm sàng Hoa Kỳ, những người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn uống 500mg curcumin mỗi ngày trong 30 ngày ngoài các phương pháp điều trị hen suyễn thông thường ít bị tắc nghẽn đường thở hơn sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản.
Nhữg phát hiện này cho thấy rằng curcumin trong nghệ có thể giúp những người bị hen suyễn thở tốt hơn, mặc dù curcumin không có bất kỳ tác dụng nào đối với các triệu chứng của hen suyễn khác như: ho, thở khò khè, tức ngực. Tuy nhiên, không có tác dụng phụ đáng kể nào được báo cáo. Điều này cho thấy rằng curcumin có thể là một phương pháp điều trị bổ sung an toàn cho bệnh hen suyễn.
Một gia vị lành mạnh
Thức ăn chế biến có nghệ sẽ thêm phần hấp dẫn, tạo cảm giác ngon miệng… bởi màu sắc vàng óng của nghệ.
Nghệ được trồng khắp Ấn Độ và các vùng khác của châu Á; là thành phần chính trong bột cà ri, chế biến món ăn, và làm sinh tố, sữa nghệ.
Một số bài thuốc từ củ nghệ
Dưới đây là 8 bài thuốc từ củ nghệ theo hướng dẫn của GS. Đoàn Thị Nhu.
Hỗ trợ chữa viêm gan, suy gan, vàng da
Nghệ 2g, rau má 4g, núc nác 3g, nhân trần 3g, hoàng bá nam 3g, dành dành 2g, nhọ nồi 2g, hậu phác nam (vối rừng) 2g. Nghệ, dành dành, hậu phác nam phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Các vị khác nấu thành cao. Trộn đều bột và cao làm viên hoàn. Ngày uống 10g, chia 2 lần.
Hỗ trợ chữa viêm gan virus cấp tính
Nghệ 12g, nhân trần, bồ công anh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g, chi tử 16g, đại hoàng sao 12g, hoàng liên 8g. Ngày một thang. Sắc uống trong ngày.
Chữa sỏi mật, làm mòn sỏi
Kim tiền thảo 40g, nghệ, mộc hương, nhân trần, chỉ xác, đại hoàng, mỗi vị 12g. Ngày 1 thang. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi, ợ chua
Nghệ 10g, trần bì 12g, khổ sâm 12g, hương phụ 10g, bồ công anh 10g, ngải cứu 8g. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, ngày uống 10-20g, chia 2 lần.
Chữa bế kinh, tích huyết tử cung sau khi sinh
Nghệ 1 củ nướng, cắt lát, ăn, hoặc nấu xôi nếp ăn.
Chữa đau bụng kinh
Nghệ 12, ích mẫu 20g, sinh địa 16g, huyền sâm 16g, địa cốt bì 12g, hoàng liên, đào nhân, hương phụ, thanh bì, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa chảy máu cam, thổ huyết (nôn ra máu)
Bột nghệ, ngày uống 4-6g, chia 2 lần chiêu với nước.
Chữa vết thương mụn nhọt, lở loét
Bột nghệ vàng 30g, bột rau má 60g, bột phèn phi 10g. Trộn đều, rắc vào nơi tổn thương, ngày 3 lần. Cần đảm bảo nghệ có nguồn gốc rõ ràng, không pha tạp.