Chuyên gia chỉ cách điều trị mắc cúm mùa ở trẻ

Mai Nguyên 13/10/2022 09:01

PLBĐ - Thông thường bệnh không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp.

Bệnh cúm mùa gia tăng nhanh

Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM, hiện nay có 4 chủng virus cúm ở người được ký hiệu là A, B, C, D. Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất và có thể bùng phát thành dịch. Số ca mắc cúm A chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Thông thường, cúm sẽ xuất hiện vào mùa lạnh ở các tỉnh miền Bắc, và quanh năm tại các tỉnh miền Nam.

Theo ghi nhận, mỗi ngày các bệnh viện tiếp nhận từ vài trăm tới vài nghìn bệnh nhân đến khám cúm. Điển hình, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi tới thăm khám do mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm gây ra.

90% người mắc bệnh cúm mùa có thể diễn tiến nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số bệnh nhi sẽ là đối tượng nguy cơ trở nặng khi mắc cúm như: trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ có bệnh nền: sinh non, nhẹ cân, có bệnh phổi mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch. Do đó nên ưu tiên chủng ngừa sớm cho nhóm đối tượng này.

Đã có báo cáo ở các tỉnh phía Bắc, có trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương tim phổi và phải điều trị dài ngày, thậm chí tổn thương đa tạng phải tiến hành lọc máu, sử dụng máy thở do mắc cúm.

Chuyên gia chỉ cách điều trị mắc cúm mùa ở trẻ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Biểu hiện và điều trị mắc cúm mùa ở trẻ

Theo BS. Trần Đồng, khi mắc cúm trẻ thường gặp một số biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, ho, đau đầu, đau họng…

Thông thường bệnh không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp.

BS. Trần Đồng cũng cho biết, ở trẻ mắc cúm nếu sốt trên 38,5 độ C có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm đau có chứa paracetamol. Liều an toàn 10-15mg/kg trong mỗi 4-6 giờ và không được quá 6 lần/ngày. Dùng quá liều paracetamol có nguy cơ tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí tử vong…

Dùng nước muối sinh lý 0,9 % dạng nhỏ hoặc xịt là một lựa chọn an toàn trong điều trị trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi. Nước muối sinh lý 0,9 % giúp làm sạch dịch nhầy trong mũi, thông thoáng đường thở.

Các thuốc thuốc xịt/nhỏ như naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin… có tính chất co mạch, giảm sung huyết nên giúp nhanh chóng hết nghẹt mũi và giúp trẻ dễ thở. Tuy nhiên, thuốc có thể gây phản tác dụng nếu lạm dụng. Ngoài ra, thuốc có thể gây tác dụng phụ: Gây rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi…, thậm chí gây co mạch toàn thân khiến trẻ bị tím tái, choáng, vã mồ hôi, trụy tim mạch… Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc ho cho trẻ. Hiện nay, các thuốc giảm ho cho trẻ thường có chứa dextromethorphan. Ở liều thông thường thuốc được dung nạp tốt và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích ứng đường tiêu hóa… Lưu ý, chỉ dùng thuốc giảm ho cho trẻ dưới 6 tuổi khi có chỉ định của bác sĩ.

Có thể dùng thuốc long đờm guaifenesin, acetylcystein, bromhexin… để giúp làm loãng đờm và giúp trẻ dễ dàng khạc ra ngoài.

BS. cũng cho hay, cúm là một bệnh gây nên bởi virus, do đó việc dùng kháng sinh trong trường hợp này là không có tác dụng. Chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng và phải có chỉ định của bác sĩ.

Mai Nguyên