2 học sinh ở TPHCM nhập viện sau khi ăn mì Ý sốt cà ở trường
Sau khi ăn món mì Ý sốt cà tại trường, 2 học sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải nhập viện vì nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại không phát hiện tác nhân gây bệnh.
Tối 6/5, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa có báo cáo nhanh gửi đến Sở Y tế TPHCM về các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm mà nơi này đang điều trị.
Cụ thể vào ngày 4/5, bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp có triệu chứng đường tiêu hóa. Thông tin ban đầu từ gia đình, một số bạn trong lớp của trẻ cũng xuất hiện tình trạng tương tự sau bữa ăn trưa.
Trường hợp thứ nhất là một bé trai 9 tuổi, học trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4), nhập viện với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, viêm họng cấp, theo dõi ngộ độc thực phẩm. Khai thác bệnh sử, ngày 3/5 trẻ được ghi nhận sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng.
Theo lời kể của người nhà, có 6 trẻ khác cũng bị sốt, ói như bệnh nhi, sau khi ăn trưa cùng ngày với món mì Ý sốt cà ở trường. Khi nhập viện, bé trai tiêu lỏng thêm 10 lần, không sốt ói thêm, chỉ số CRP (dùng để đánh giá mức độ viêm, nhiễm trùng) tăng nhẹ, siêu âm thấy các quai ruột nhiều dịch, tăng nhu động.
Trường hợp thứ hai là một bé gái 11 tuổi, học sinh trường tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức), nhập viện với chẩn đoán ói cấp, theo dõi viêm dạ dày ruột, theo dõi ngộ độc thực phẩm.
Người nhà cũng khai với bác sĩ, trưa 3/5 bé có ăn món mì Ý sốt cà ở trường. Tối cùng ngày, trẻ đau bụng quanh rốn, ói ra thức ăn cũ 3 lần, không sốt, không tiêu lỏng. Đến ngày 4/5, trẻ ói thức ăn và dịch xanh 5 lần trước khi được gia đình cho nhập viện.
Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bé không sốt ói, không đau bụng thêm, không dấu hiệu mất nước, xét nghiệm có chỉ số CRP tăng nhẹ, siêu âm các quai ruột nhiều dịch và hơi.
Cả hai bệnh nhi đều được điều trị với kháng sinh đường uống, dùng thuốc oresol bù nước, cũng như lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Đến ngày 6/5, mẫu phân của 2 trẻ cho kết quả xét nghiệm không phát hiện tác nhân gây bệnh.