Cân nhắc bán "cây đứng" hay "cây nằm" liên quan dự án cao tốc
Huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đang tính toán bán để xử lý khoảng 9.000 m3 gỗ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Ngày 7-5, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn tỉnh này có gần 170 ha rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Trong đó, có 45,5 ha rừng tự nhiên, 124 ha rừng trồng.
Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột sẽ đi qua nhiều diện tích đất rừng. Ảnh: T.L
UBND tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích rừng và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chuyển đổi tiếp diện tích rừng còn lại liên quan dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở NN&PTNT có văn bản hướng dẫn phương án xử lý tài sản tận thu (rừng tự nhiên, rừng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT, đúng phương pháp định giá rừng, khung định giá rừng của Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị chủ quản một gói thầu tại dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đã nộp tiền trồng rừng thay thế và đã được chuyển đổi mục sử dụng rừng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông, địa phương này có hơn 40 ha rừng tự nhiên đã được chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột.
Qua kiểm đếm sơ bộ, hơn 40 ha rừng tự nhiên có khoảng 18.500 cây gỗ với khối lượng trên 9.000 m3 phải xử lý, đấu giá.
Ông Pháp cho biết các cơ quan chức năng của huyện Krông Bông đã tính toán, đề xuất hai phương án là bán "cây đứng” và bán "cây nằm” để xử lý số tài sản là gỗ trên.
Ông Pháp giải thích bán "cây đứng” tức là định giá, bán đấu giá gỗ ngay trong rừng và giao cho đơn vị trúng đấu giá khai thác, vận chuyển. Còn bán "cây nằm” tức là tổ chức bán đấu giá sau khi đã khai thác gỗ và vận chuyển, tập kết gỗ ở một vị trí nhất định ngoài rừng.
UBND huyện Krông Bông đề xuất chọn phương án bán "cây đứng” vì có nhiều ưu điểm hơn so với phương án bán "cây nằm”.
Bởi khi bán "cây nằm” phải tính toán đến việc vận chuyển, địa điểm tập kết, phương án bảo quản…
Tuy nhiên, UBND huyện Krông Bông đang tham khảo, chờ ý kiến trả lời của các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan để có phương án thực hiện phù hợp nhất khi xử lý số lượng gỗ sẽ thu hồi.
Một đoạn của cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đi qua tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: T.L
Ông Pháp thông tin thêm sắp tới Sở NN&PTNT Đắk Lắk sẽ cử lực lượng phúc tra, thẩm định số lượng, trữ lượng gỗ trên diện tích hơn 40 ha rừng tự nhiên tại huyện Krông Bông.
Sau khi Sở NN&PTNT phúc tra xong, UBND huyện Krông Bông sẽ mời đơn vị tư vấn, định giá có đủ năng lực để tiến hành định giá.
“Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải định giá được khoảng 9.000 m3 gỗ đó giá trị bao nhiêu. Khi định giá xong, chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo để xử lý số lượng gỗ thu hồi theo đúng quy định”- ông Pháp nói.
Dự án cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài hơn 117 km, nối hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, được chia làm ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 và thành phần 3 do Ban Quản lý dự án 6 Bộ Giao thông-Vận tải và UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. |