Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì triều cường, mưa lũ

10/10/2022 18:03

Học sinh ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên… hôm nay đã phải nghỉ học vì triều cường dâng cao và mưa lũ gây ngập lụt.

Tại Cần Thơ: Ngày 10/10, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã có công văn cho trẻ em, học sinh, học viên tự học tại nhà để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường dâng cao.

Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng lũ đầu nguồn sông Cửu Long đổ về, kết hợp với các đợt triều cường dâng cao trong tháng 9 (âm lịch), Sở GD&ĐT. TP Cần Thơ đề nghị cho trẻ em bậc học mầm non, học sinh, học viên học tại các trường tiểu học, THCS, THPT, TTGDNN-GDTX, trung tâm ngoại ngữ, tin học tự học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên. Thời gian áp dụng trong 3 ngày từ ngày 11/10 đến hết 13/10.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, thủ trưởng các đơn vị tổ chức dạy học trực tuyến hoặc dạy bù khi học sinh trở lại trường, đồng thời hướng dẫn cho phụ huynh quản lý học sinh, học viên học tập tại nhà.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì triều cường, mưa lũ - Ảnh 1.

Sáng ngày 10/10, nhiều học sinh trên địa bàn TP. Cần Thơ phải dắt xe lội bộ đến trường vì nước dâng cao.

Theo dự báo từ Đài Khí tượng thuỷ văn TP. Cần Thơ, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch của thành phố sẽ đạt đỉnh trong các ngày từ 10 - 12/10, nhất là vào lúc sáng sớm từ 5 - 7h và chiều tối 16 - 18h. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng lên mức 2,20 - 2,25m; cao hơn mức báo động III: 0,20 - 0,25m; xấp xỉ đỉnh triều cường lịch sử năm 2019.

Tại Phú Yên: Phòng GD&ĐT TP. Tuy Hòa sáng nay cho hơn 1.300 học sinh của 3 trường học ở xã Hòa Kiến nghỉ học. Trong 24 giờ qua, khu vực Phú Yên có mưa rào và dông nhiều nơi, có nơi mưa to, gây ngập lụt ở một số khu vực. Học sinh sẽ được nghỉ học đến khi thời tiết tạnh ráo, nước rút.

Theo đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, trong 24 giờ qua, khu vực Phú Yên có mưa rào và giông nhiều nơi, cục bộ có nơi mưa to. Dự báo, hôm nay, khu vực Phú Yên tiếp tục có mưa, với lượng mưa 20- 40mm, có nơi trên 70mm. Mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa dông trên khu vực có khả năng kéo dài trong những ngày tới, thời điểm mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì triều cường, mưa lũ - Ảnh 2.

Các địa phương cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho các em.

Tại Đà Nẵng: Trưa 10/10, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, mưa lớn kéo dài từ tối qua đến sáng nay khiến nhiều trường bị ngập nước vào sân và lớp. Do đó, có 29 trường học các cấp trên toàn huyện phải cho học sinh nghỉ học, trong đó có 10/19 trường mầm non, 14/19 trường tiểu học và 5/11 trường THCS. Theo ông Hoàng, có 5 trường đang bị ngập nước vào sân và lớp học như mầm non Hòa Liên, Tiểu học Hòa Liên, Tiểu học số 2 Hòa Liên, mần non Hòa Phong, Tiểu học Lâm Quang Thự. Các trường còn lại là do nước ngập cục bộ tại các tuyến đường khiến học sinh không đến trường được. Việc cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho các em.

Tại Quảng Nam: UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và cơ quan đóng trên địa bàn về việc tập trung ứng phó mưa lũ. Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện mưa lớn gây ngập lụt cục bộ một số nơi. Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở GD&ĐT, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy theo tình hình thực tế diễn biến mưa lũ tại địa phương.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì triều cường, mưa lũ - Ảnh 3.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên chủ động ứng phó với mưa, lũ

Ngày 10/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 31/CĐ-QG về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Nội dung Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh, thành phố Trung Bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa rất lớn từ 200 - 400mm, riêng Thừa Thiên - Huế có nơi trên 500mm, một số trạm mưa lớn như Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 510mm, hồ Truồi (Thừa Thiên - Huế) 456mm, Hà Thanh (Quảng Nam) 431mm.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 10/10, từ Quảng Bình đến Quảng Trị tiếp tục mưa từ 40 - 70mm, có nơi trên 90mm; từ ngày 10 - 11/10, Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi mưa rất lớn từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm; Bình Định - Phú Yên có mưa từ  70 - 150mm, có nơi trên 150mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông trong khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, đỉnh lũ ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, các bộ, ngành nêu trên chỉ đạo thực hiện việc dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại: kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường đưa tìn về tình hình mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại…

AN-CL