Phụ nữ mang thai có nên ăn dứa hay không?
PLBĐ - Nhiều người cho rằng bà bầu không nên ăn dứa, chỉ nên ăn dứa ở tháng cuối của thai kỳ, trước thời gian chuyển dạ sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Vậy điều này có chính xác hay không?
Bà bầu có nên ăn dứa?
Dứa là loại quả có hàm lượng calo thấp nhưng lại có chứa một lượng chất dinh dưỡng dồi dào. Trong khoảng 165 gam dứa có chứa: Lượng calo: 83; Chất béo: 1,7 gam; Chất đạm: 1 gam; Carbs: 21,6 gam; Chất xơ: 2,3 gam; Vitamin C: 88% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Mangan: 109% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Vitamin B6: 11% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Đồng: 20% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Thiamine: 11% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Folate: 7% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Kali: 4% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Magiê: 5% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Niacin: 5% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Axit pantothenic: 7% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Riboflavin: 4% giá trị khuyến nghị hàng ngày; Sắt: 3% giá trị khuyến nghị hàng ngày.
Dứa có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nhiều người cho rằng bà bầu không nên ăn dứa. Chỉ nên ăn dứa ở tháng cuối của thai kỳ, trước thời gian chuyển dạ, sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Vậy điều này có chính xác hay không?
Theo BS. Đoàn Xuân Quảng (Khoa Sản bệnh - Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng), trên thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của việc ăn dứa sẽ làm cho cuộc chuyển dạ nhanh và dễ dàng hơn. Cho đến nay mới chỉ có một số thí nghiệm như lấy tinh chất của dứa để tiêm vào cơ tử cung của chuột, việc làm này cũng có tác dụng tăng sự co bóp nhưng chưa được thực hiện trên người.
Ngay cả trong các nghiên cứu trên động vật, bromelain trong dứa cũng chỉ đơn giản là gây ra các cơn co thắt, nhưng không gây chuyển dạ. Không có dấu hiệu nào cho thấy việc sử dụng bromelain theo bất kỳ cách nào thực sự thúc đẩy quá trình chuyển dạ.
Khi ăn quá nhiều, ngoài đau rát miệng có thể làm tăng đường huyết quá mức. Đặc biệt, với mẹ bầu có đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra tình trạng tăng đường huyết. rối loạn đường huyết, đáng sợ nhất là có thể ảnh hưởng tới tim thai của thai nhi.
Dù không có tác dụng thúc đấy cơn chuyển dạ, nhưng dứa vẫn là một loại trái cây tốt cho bà bầu với một số lợi ích sức khỏe độc đáo. Mặc dù có vị ngọt đặc trưng, dứa vẫn có thể được đưa vào bất kỳ kế hoạch ăn uống lành mạnh nào, kể cả đối với phụ nữ mang thai. Dứa chứa ít chất béo và natri với lượng vitamin và khoáng chất dồi dào giúp tăng cường sức khỏe.
Dứa được coi là loại trái cây có chỉ số đường huyết (GI) trung bình. Nó có lượng đường huyết thấp hơn chuối và dưa hấu quá chín, nhưng cao hơn các loại trái cây có GI thấp như quả mọng, táo hoặc lê.
Dứa cũng là một nguồn cung cấp folate dồi dào. Một cốc nước dứa ép có gần 30mcg folate, đây là một cách tuyệt vời để có thêm chất dinh dưỡng quan trọng này cho cơ thể.
Dứa là một nguồn tuyệt vời của vitamin C. Một cốc cung cấp giá trị cho cả ngày. Ngoài ra, một khẩu phần dứa có 181mcg đồng. Do lượng đồng hấp thụ đầy đủ là 900mcg mỗi ngày, ăn dứa là một cách tuyệt vời để đạt được khuyến nghị về khoáng chất thiết yếu này.
Dù tốt nhưng phụ nữ mang thai cũng không nên ăn quá nhiều dứa. Ợ chua và trào ngược axit rất phổ biến khi mang thai, và thực phẩm có tính axit như dứa có thể làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, quá nhiều bromelain đôi khi có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc chuột rút, điều này có thể bị nhầm lẫn với sự bắt đầu chuyển dạ.
Ai không nên ăn dứa?
Người có cơ địa dị ứng
Trong quả dứa có men bromelin là một loại enzym có chức năng thủy phân protit, được ứng dụng để trị rất nhiều bệnh khác nhau. Nhưng rất nhiều người dị ứng loại men này. Sau khi ăn dứa từ 15 phút hoặc lâu hơn, bromelin kích thích cơ thể sinh ra các histamin làm xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, có thể lợm giọng, buồn nôn, nổi mày đay, ngứa ngáy khó chịu, môi tê dại, nặng hơn là khó thở.
Những trường hợp này hay gặp và diễn biến nặng ở bệnh nhân có tiền sử cơ địa dị ứng như mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...
Bệnh nhân bị viêm răng, lở loét khoang miệng
Chất glucoside trong dứa có tác dụng kích thích mạnh với niêm mạc miệng, thực quản, khi ăn quá nhiều còn khiến tê bì ở lưỡi, cổ họng. Người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều dứa một lúc.
Người bị bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày
Chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
Người dễ bốc hỏa
Nhiều người sau khi ăn dứa xong khoảng từ 30 phút đến một giờ thấy mệt mỏi, khó chịu, ngứa dữ dội khắp người, ngay sau đó thì cảm thấy nóng bừng và nổi mẩn. Đây là hiện tượng bốc hỏa. Đối với những người đã bị một lần rồi càng phải thận trọng khi ăn dứa, tốt nhất là nên ăn ít để thăm dò.
Người bệnh đái tháo đường
Dứa có hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường muốn ăn dứa phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
Người bệnh tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp cũng là một trong những đối tượng nên hạn chế ăn dứa. Người có tiền sử tăng huyết áp khi dùng nhiều dứa dễ gây hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng... dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp.