Nhận loạt thông tin tích cực, một cổ phiếu họ dầu khí tăng “bốc đầu” cả chục phiên
Tăng liên tiếp cả chục phiên, đưa thị giá của PLX đã vượt qua vùng đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái và cũng là mức giá cao nhất trong vòng 9 tháng (từ tháng 8/2023).
Đặc biệt 3 phiên gần đây, khối lượng giao dịch trong mỗi phiên đều bật tăng gấp nhiều lần các phiên trước đó.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex tăng thêm gần 0,5% vào cuối phiên, đưa thị giá lên mức 40.200 đồng/cp và trở thành phiên tăng điểm thứ 10 trong đà tăng của cả chục phiên trước đó, ngoại trừ một phiên giảm 0,43% điểm trong ngày 25/4.
Như vậy, PLX có thêm 16% giá trị chỉ sau khoảng 2 tuần giao dịch. Thị giá hiện tại cũng đã vượt qua vùng đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái và là mức giá cao nhất trong vòng 9 tháng (từ tháng 8/2023).
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex tăng liên tiếp trong 2 tuần
Có thể thấy, giá cổ phiếu của PLX tăng 'bốc đầu' do kết quả kinh doanh tích cực và thông tin chi trả cổ tức sắp được thực hiện trong tháng 5.
Cụ thể, đà tăng bốc của PLX diễn ra trong thời điểm sát ngày chốt quyền thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 của doanh nghiệp này. Ngày 15/5 tới, Petrolimex sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 15% (tương ứng mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.500 đồng).
Với hơn 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Petrolimex sẽ cần chi khoảng 1.906 tỷ đồng để hoàn thành thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đang nắm gần 76% vốn tại Petrolimex dự kiến sẽ nhận về khoảng 1.440 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ đông lớn từ Nhật Bản Eneos Việt Nam nắm hơn 13% vốn điều lệ sẽ nhận được khoảng 247 tỷ đồng.
Đối với kết quả kinh doanh quý 1/2024, PLX ghi nhận doanh thu thuần 75.106 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 1.441 tỷ và 1.133 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 72% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, PLX đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 26% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, hết quý 1, PLX đã thực hiện được gần một nửa mục tiêu lợi nhuận năm.
Bên cạnh đó, cổ phiếu PLX nói riêng và nhóm dầu khí nói chung đều bật tăng tích cực sau khi đón nhận tin vui từ ngoài "khơi xa". Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam (PVN) vừa công bố 2 phát hiện dầu khí mới tại mỏ Rồng và mỏ Bunga Aster.
PVN đánh giá vào thời điểm này, thành công của hai phát hiện trên giúp mở ra các hướng đi quan trọng trong công tác thăm dò khai thác, từ đó góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của tập đoàn, nhất là công tác tận thăm dò ở các lô hợp đồng đã và đang khai thác vẫn còn có cơ hội và tiềm năng, tận dụng tối ưu hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Trên thị trường phiên 9/5, VN-Index đóng cửa điều chỉnh nhẹ sau 6 phiên tăng điểm trước đó. Theo nhận định của các công ty chứng khoán, nhịp điều chỉnh không quá mạnh và thanh khoản không lớn nên xu hướng hồi phục vẫn chưa bị phá vỡ. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục.
Theo CTCK BIDV (BSC), VN-Index chưa thể vượt qua ngưỡng 1.250 trong ngày hôm nay. Sau một ngày giằng co chỉ số đóng cửa tại mốc 1.248,64 điểm, gần như đi ngang so với hôm qua.
Độ rộng nghiêng về phía tiêu cực với 9/18 ngành giảm điểm, trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống dẫn đầu đà giảm. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ ngành du lịch & giải trí và truyền thông, các ngành khác chỉ tăng chưa đến 1%.
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường cần sự ủng hộ của dòng tiền hơn để có thể chinh phục vùng 1.250-1.260 điểm này.
Còn CTCK Asean thì khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục.
Thị trường ghi nhận phiên giảm điểm trở lại trong trong phiên 9/5, dù mức giảm của chỉ số chung không quá lớn nhưng áp lực bán ghi nhận trong phiên là tương đối đáng kể.
“Quan sát thêm chỉ số về cuối phiên nhận thấy lực cầu quay trở lại tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hỗ trợ thị trường thu hẹp đà giảm của VN-Index. Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục” – CK Asean lưu ý.