Đà Nẵng: Số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong 5 năm qua

Thu Thủy (t/h) 08/10/2022 07:27

PLBĐ - Liên tục 2 tuần qua, tuần nào Đà Nẵng cũng ghi nhận hơn 200 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Từ dầu năm đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận gần 6.300 ca mắc sốt xuất huyết, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cao từ đầu tháng 10 đến nay. Các địa phương ghi nhận nhiều nhất vẫn là các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ lẻ ở các quận, huyện. Tại quận Sơn Trà, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu bùng phát mạnh. Nếu như trước đây số ca bệnh tăng cao chủ yếu ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, thì từ đầu tháng 10 tới nay, đặc biệt là sau cơn bão số 4, số ca mắc sốt xuất huyết ở quận Sơn Trà tăng cao.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Đà Nẵng cao nhất trong 5 năm qua - Ảnh 1.

Số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong 5 năm qua tại Đà Nẵng (ảnh G.A)

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt, Phó trưởng Khoa nhi, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, Khoa Nhi có công suất 40 giường thì hơn một nửa là điều trị sốt xuất huyết, cao điểm có ngày ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết, cao hơn nhiều so với các năm trước.

“Trẻ em bị mắc sốt xuất huyết đa dạng về lứa tuổi, thậm chí có những trẻ 12 tháng tuổi cũng sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết năm nay không nặng như các năm nhưng tình trạng mắc bệnh đa dạng hơn. Sốt xuất huyết từ nay tới tháng 11 bắt đầu tăng mạnh. Để khống chế bệnh, các gia đình nên cho con ngủ màn, thoa thuốc chống muỗi và tổng dọn vệ sinh nhà cửa”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt nói.

Biểu đồ thống kê số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất trong 5 năm qua. Con số gần 6.300 ca mắc sốt xuất huyết trong năm nay rất đáng báo động. Đến thời điểm này, toàn thành phố ghi nhận gần 640 ổ dịch nhỏ. Theo ý kiến một số cán bộ kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân tăng cao ngoài yếu tố khách quan về điều kiện thời tiết, dịch tễ thì vẫn có những nguyên nhân chủ quan. Nhiều gia đình không mắc màn khi ngủ; trong nhà, vườn vẫn còn những lu chậu đựng nước thải lâu ngày, môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi.

Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã thành lập các đội công tác xuống hiện trường đánh giá tình hình và có các biện pháp xử lý theo từng khu vực ổ dịch: “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã tăng cường cán bộ của trung tâm cùng với các trung tâm y tế, các trạm y tế xuống giám sát và xử lý các ổ dịch theo quy định. Đồng thời, cùng với các cán bộ các tuyến xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình thực tiễn trước xử lý cũng như sau xử lý".

Thu Thủy (t/h)