4 tác hại từ việc tắm đêm

11/05/2024 14:04

Tắm đêm gây mất cân bằng nhiệt độ cơ thể, dẫn tới khó ngủ, tim đập nhanh, tăng cân.

Ảnh: First for women
Ảnh: First for women

Ngày 9/5, chuyên gia trang điểm Lâm Nguyễn 31 tuổi qua đời tại TP HCM. Hôm 10/5, chị gái anh lên tiếng về tình trạng bệnh của em trai. Cô cho biết từ nhỏ anh bị hen suyễn. Thời gian qua, anh liên tục công tác nước ngoài, thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường, cộng việc thường xuyên mất ngủ do trái múi giờ khiến Lâm suy nhược cơ thể, ăn không ngon miệng. Về Việt Nam sau chuyến công tác châu Âu hồi đầu tháng Ba, Lâm không kịp thích nghi thời tiết, chạy show liên tục. Nhiều lần, Lâm tắm đêm dẫn đến lạnh phổi, bị cảm lâu không khỏi, sốt nhiều. Đến ngày 8/5, anh nhập viện cấp cứu trong tình trạng viêm phổi cấp, suy thận nguy kịch. Dù các y bác sĩ cố gắng chạy chữa, anh không qua khỏi, qua đời đầu giờ chiều 9/5.

Viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm sản xuất dịch tiết trong phế nang; gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.

Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Suy thận hầu hết làm tổn thương các Nephron (một đơn vị cấu trúc của thận) khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không điều trị hoặc điều trị thất bại sẽ gây mất chức năng thận.

Trong số các thói quen sinh hoạt của Lâm Nguyễn, tắm đêm là yếu tố tác động dẫn đến sức khỏe kém đi trông thấy và tình trạng bệnh nguy kịch. Dưới đây là những tác hại của thói quen tắm này, theo Bright Side:

1. Khó ngủ

Tắm nước nóng ngay trước khi ngủ nghe có vẻ thư giãn nhưng trên thực tế, nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Tắm nước nóng sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bạn khó ngủ. Nếu cảm thấy không thể đi ngủ nếu chưa tắm, hãy chọn tắm nước ấm một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ.

2. Khiến tim đập nhanh

Nếu bạn từng cảm thấy tim mình đập nhanh hơn sau khi tắm nước nóng, có lời giải thích khoa học cho điều này. Nước nóng làm tăng huyết áp, khiến cơ thể nóng lên, gây căng thẳng cho tim. Khi tim đập nhanh, bạn có thể trằn trọc cả đêm, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe hơn.

3. Tăng cân

Ăn một bữa tối ngon miệng và tắm nước nóng ngay sau đó có vẻ là cách hoàn hảo để kết thúc một ngày và đi ngủ. Nhưng trên thực tế, việc đi tắm sau khi ăn gây hại cho hệ tiêu hóa và dẫn đến tăng cân. Quá trình tiêu hóa đòi hỏi phải tăng lưu lượng máu đến dạ dày và việc tắm sẽ khiến máu chảy đến các bộ phận khác của cơ thể. Nếu cảm thấy thực sự cần phải tắm rửa sạch sẽ vào buổi tối, tốt hơn hết nên đợi ít nhất 30 phút sau khi ăn.

4. Hại cho tóc

Tắm ngay trước khi đi ngủ khi tóc vẫn còn ướt không mang lại lợi ích gì cho mái tóc cũng như sức khỏe. Ngủ với mái tóc ẩm sẽ khiến vỏ gối hút ẩm và tạo môi trường ấm áp, ẩm ướt hoàn hảo cho vi khuẩn có hại phát triển. Đồng thời, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề về da đầu, chẳng hạn ngứa, kích ứng và gàu.

Thời điểm nào không thích hợp để tắm?

Bên cạnh việc tránh tắm đêm, còn có những thời điểm sau không thích hợp để tắm:

1. Sau khi uống rượu

Tắm sau khi uống rượu sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu thụ lượng glucose dự trữ trong cơ thể, dễ khiến lượng đường trong máu giảm và nhiệt độ cơ thể giảm mạnh. Rượu có thể cản trở quá trình phục hồi lượng glucose dự trữ của gan và dễ gây sốc.

2. Sau bữa ăn no

Nhiệt độ nước càng cao, mao mạch càng giãn nở và máu di chuyển đến da càng nhiều. Lượng máu cung cấp cho các cơ quan nội tạng sẽ giảm đi tương ứng, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn của dạ dày và quá trình tiêu hóa, hấp thu của cơ thể con người.

3. Khi bụng đói

Khi một người nhịn ăn, lượng đường trong máu tương đối thấp. Khi tắm, lưu lượng máu đến mô da tăng lên, mức tiêu thụ oxy và năng lượng của mô tăng lên, đồng thời nhu cầu về đường cũng sẽ tăng lên.

Vì vậy, không thể đảm bảo lượng nhiệt cần thiết để tắm khi bụng đói. Nếu nhất quyết muốn tắm vào lúc này, bạn có thể gặp các triệu chứng hạ đường huyết như chóng mặt, choáng váng, hồi hộp, đổ mồ hôi lạnh, thậm chí có thể bị ngã và gặp tai nạn.

Thời điểm tắm chính xác là một giờ sau khi ăn. Nếu phải tắm khi bụng đói, bạn có thể ăn một ít bánh quy hoặc đường trước khi tắm để bổ sung năng lượng và ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết.

4. Khi bị sốt

Khi sốt, mức tiêu thụ năng lượng của cơ thể tăng lên. Một số dữ liệu cho thấy nhiệt độ cơ thể cứ tăng lên một độ thì tỷ lệ trao đổi chất cơ bản tăng khoảng 10%. Ngoài ra, bệnh nhân bị sốt có sức khỏe tương đối yếu nên dễ xảy ra tai nạn khi tắm vào thời điểm này.

Lúc ốm, bạn có thể dùng nước ấm để tắm trên giường. Phương pháp này không chỉ có tác dụng làm sạch da mà còn có tác dụng hạ nhiệt, đồng thời có thể tránh được tai nạn.

Tú Anh (Theo 163, Bright Side)