Nguy hiểm "chết người" khi dùng son môi
PLBĐ - Nhiều chuyên gia trong ngành y, dược và thẩm mỹ đã lên tiếng khuyến cáo chị em nên cẩn trọng khi sử dụng son môi, vì đây có thể là nguồn gây bệnh đối với người sử dụng.
Son môi – Kẻ quyến rũ chết người!
Theo dược sĩ Nguyễn Thùy Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong son môi, chì như một yếu tố vi lượng, giúp mỹ phẩm bền màu và lâu phai, cho dù hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép nhưng nếu dùng lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nhà sản xuất có uy tín sẽ kiểm định một cách nghiêm ngặt lượng chì trong mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường.
Các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ luôn có những tổ chức thẩm định chất lượng mỹ phẩm nghiêm ngặt và họ luôn khuyến cáo một số đối tượng cần thận trọng khi tiếp xúc với son môi như phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên.
TS.BS. Nguyễn Hữu Sáu, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho rằng, nhiều người chưa biết hết hậu quả của son nhiễm chì, bệnh nhân đến khám khi có biểu hiện sưng, ngứa, viêm da vùng môi mà không biết nguyên nhân dị ứng là do đâu.
Việc sử dụng son có chì tuy không biểu hiện rầm rộ ngay nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chì vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hóa. Nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Lâu dài, người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích lũy lâu ngày ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thần kinh, máu, dạ dày - đường ruột, tim mạch và thận.
Nếu thường xuyên không lau son môi trước khi ăn, uống thì lượng chì bị nuốt vào dạ dày sẽ còn cao hơn nhiều, chất chì trong son môi phản ứng với các enzym có trong dạ dày, có nguy cơ gây nhiễu loạn, phá vỡ hoạt động hệ tiêu hóa.
Nặng hơn nữa, độc tố từ son môi có thể tích tụ gây ung thư hoặc gây rối loạn sinh sản ở phụ nữ. Bằng mắt thường không thể phân biệt son nào chứa chì hay không mà cần phải xét nghiệm, thông thường những loại son đậm màu chứa hàm lượng chì cao hơn.
TS.BS. Nguyễn Hữu Sáu khuyến cáo, nên hạn chế dùng son, trường hợp phải dùng nên sử dụng các loại son có thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua sản phẩm trôi nổi. Nên đọc kỹ thông tin trên loại son và hạn sử dụng ghi trên vỏ sản phẩm.
Khi sử dụng son, không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày, đặc biệt là các loại son đậm màu và cần lau, rửa sạch kỹ bờ môi sau mỗi lần dùng son. Đặc biệt lưu ý đối với trẻ em tuyệt đối không dùng son. Nếu môi trẻ quá khô hoặc nứt thì có thể tăng cường uống nước hoặc dùng vaselin được bán trong các nhà thuốc.
Cách làm son môi tại nhà vừa rẻ lại an toàn
Một trong những lựa chọn son môi an toàn là làm từ các nguyên liệu tự nhiên mà bạn biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Và dưới đây là hướng dẫn cách làm son môi tại nhà đơn giản:
Nguyên liệu
1 củ cải đường để tạo màu đỏ tự nhiên
½ thìa cà phê sáp ong
½ bơ hạt mỡ ( shea butter) hoặc ½ thìa bơ cacao
½ thìa cà phê dầu dừa
Các dụng cụ pha chế:
Dao cắt
Máy sấy hoa quả và thực phẩm
Máy xay cà phê/ máy xay gia vị/ máy xay dược liệu
Khăn/vải gạc y tế mỏng có những mắt lưới nhỏ để lọc
Nồi đun nhỏ
Cốc thủy tinh hay lọ đựng
Thỏi son nhựa trong để chứa hỗn hợp son
Cách làm
Bước 1:
Dùng dao cắt củ cải đỏ thành những lát mỏng, xếp đều trên khay của máy xấy hoa quả.
Để nhiệt độ của máy sấy là 120 độ, sấy khô từ 6 đến 8 tiếng.
Bước 2:
Khi các lát củ cải đỏ đã khô thì xay nhuyễn bằng máy xay đến khi có bột củ cải đỏ mịn đẹp.
Bước 3:
Đổ nước vào nồi cho sôi lăn tăn;
Đổ sáp ong, bơ hạt mỡ hay bơ ca cao, dầu dừa vào cốc hay lọ thủy tinh và để cốc thủy tinh vào nồi để đun cách thủy;
Khuấy 5-10 phút để cho hỗn hợp tan chảy và hòa tan;
Thêm ½ thìa cà phê bột củ cải đỏ vào hòa tan trong hỗn hợp, rồi tắt bếp. Trong trường hợp bạn cần màu son đậm hơn, bạn có thể lấy thêm một củ cải đường và đun cách thủy trong vòng 1 tiếng.
Bước 4:
Sau khi lấy cốc hỗn hợp ra khỏi nồi, đổ qua một miếng vải gạc và vắt để lấy nước cốt hỗn hợp không có nhiều hạt sạn nhỏ.
Bước 5:
Đổ hỗn hợp vào thỏi son nhựa trong và để nguội đến khi hỗn hợp son trở nên rắn thành thỏi, màu của son sẽ sáng hơn khi thành thỏi.