Thảm họa làm đẹp khi đến nhầm chỗ (bài 6): Điều trị da và dùng mỹ phẩm của 'Phòng khám' YC Việt Nam gần 6 tháng, bệnh nhân nhận kết luận mắc bệnh Ochronosis ngoại sinh
Sau gần 6 tháng điều trị da tại 'Phòng khám' YC Việt Nam (số 85 Bùi Thị Xuân, Hà Nội) không có kết quả, chị B khám da tại Bệnh viện Da liễu Trung ương được chẩn đoán bị nhiều bệnh về da. Trong đó có bệnh lý Ochronosis ngoại sinh. Theo bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh Ochronosis ngoại sinh do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc dài ngày.
Hoàn trả 230 triệu đồng không dựa trên giá dịch vụ cơ sở?
Như Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã thông tin, bạn đọc P.T.T.B (42 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) có thời gian gần 6 tháng điều trị các vấn đề về da (da không đều màu, tối xỉn, tăng sắc tố ở vùng mặt, cổ, lưng, tay…) tại "phòng khám" YC Việt Nam (số 85 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) với chi phí 260 triệu đồng, nhưng tình trạng da không cải thiện.
Được biết, sau thời gian dài yêu cầu thanh lý hợp đồng, đến ngày 10/5, bạn đọc P.T.T.B mới được đáp ứng yêu cầu, hoàn lại số tiền là 230 triệu đồng nhưng không dựa trên giá dịch vụ cơ sở.
Chị P.T.T.B cho rằng, giá như "phòng khám" YC Việt Nam thực hiện các bước khám da theo tiêu chuẩn "vàng" để phát hiện và chẩn đoán chính xác các bệnh lý về da của chị B, có lẽ, chị B sẽ không mất quá nhiều thời gian, công sức… dành cho nơi này.
Ngày 13/5, phóng viên tiếp tục liên hệ cơ sở YC Việt Nam để xác minh về việc thanh lý hợp đồng và lý do thanh lý hợp đồng đối với bạn đọc P.T.T.B, cùng một số nội dung khác liên quan. Tuy nhiên, Chuyên trang Gia đình và Xã hội vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ở diễn biến khác, dù đã được giải quyết thỏa đáng nhưng từ kết quả khám, sinh thiết mô da của chị B tại Bệnh viện Da liễu Trung ương nhưng điều mà bạn đọc P.T.T.B lo lắng lúc này là các bệnh lý về da bản thân đang gặp phải, bao gồm: Ochronosis ngoại sinh; bệnh khô da nhiễm sắc tố; rụng tóc không sẹo khác; Lichen amyloid (thoái hóa dạng bột).
Người sử dụng mỹ phẩm vô tội vạ, không theo kê đơn dễ dàng bị bệnh lý Ochronosis ngoại sinh
Trao đổi với phóng viên, TS.BS nội trú Vũ Thái Hà - Giảng viên bộ môn Da liễu trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa NC&UDCNTBG, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, vùng cổ của bệnh nhân P.T.T.B bị Ochronosis ngoại sinh và bệnh khô da sắc tố. Bệnh nhân bị thêm bệnh thoái hóa tinh bột ở vùng lưng, chân tay, khửu tay…
Thứ nhất, về bệnh Ochronosis ngoại sinh. Đây là bệnh lý rối loạn sắc tố da mắc phải, không có tổn thương nội tạng.
Nguyên nhân gây bệnh hay gặp nhất là sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần Hydroquinon, phenol, resorcinol, acid picric, thủy ngân hoặc uống thuốc kháng sốt rét (quinin).
"Thường sau khi sử dụng Hydroquinon 2% kéo dài từ 3 - 6 tháng, hoặc đến 3 năm hoặc lâu hơn mới xuất hiện bệnh. Thành phần này thường có trong các sản phẩm làm trắng da, không rõ nguồn gốc. Đây là sản phẩm thuộc danh mục kê đơn, sử dụng có kiểm soát nên bác sĩ sẽ kê đơn sản phẩm rõ nguồn gốc, chỉ định sử dụng có thời hạn. Người sử dụng mỹ phẩm vô tội vạ, không theo kê đơn dễ dàng bị bệnh lý Ochronosis ngoại sinh", TS.BS nội trú Vũ Thái Hà cho hay.
Cũng theo TS.BS nội trú Vũ Thái Hà, khi sử dụng 3-6 tháng sản phẩm mỹ phẩm có những thành phần trên, tùy theo mức độ, thành phần mà người dùng sẽ gặp các biểu hiện như sau:
Giai đoạn 1 của bệnh: da hơi tăng sắc tố, da bị đỏ ửng, khó phân biệt với rám má.
Giai đoạn 2: da nổi các sẩn, bề mặt da hơi gồ ghề với các sẩn trên bề mặt da.
Giai đoạn 3: Da xuất hiện hiện tượng loang lồ, nền da chỗ màu trắng chỗ màu vàng, sần sùi.
Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối cùng) của bệnh: Bề mặt da có nhiều nốt sần, nổi mẩn to, màu vàng trắng xen kẽ (đa sắc tố), màu sắc da rối loạn rõ rệt hơn.
Thứ hai, vùng cổ của bệnh nhân B mắc đan xen với Ochronosis ngoại sinh là bệnh khô da sắc tố.
Đây là một bệnh da di truyền. Đặc trưng tổn thương da là nhạy cảm ánh sáng, thay đổi sắc tố và có nguy cơ mắc ung thư da. Người bệnh có nguy cơ cao mắc ung thư da ở vùng da hở. Nguyên nhân do đột biến gen lặn trên nhiễm sắc thể thường khiến cho tế bào không có khả năng sửa chữa tổn thương DNA do tia UV gây ra.
TS.BS nội trú Vũ Thái Hà phân tích: "Người bình thường mất rất lâu mới có triệu chứng lão hóa da bởi ánh nắng mặt trời, hoặc các u ác tính sinh ra bởi ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời thì bệnh nhân P.T.T.B dễ xuất hiện ngay từ khi còn trẻ. Trên lâm sàng sẽ chẩn đoán được toàn bộ tổn thương da do ánh nắng mặt trời tác động vào vùng da hở. Cộng thêm tiền sử gia đình di truyền, nên sẽ làm phả hệ nhưng để xác định chính xác tình trạng bệnh ở thể nào (có nhiều thể) thì phải làm xét nghiệm gen".
BS Vũ Thái Hà khẳng định, những người mắc khô da sắc tố có nguy cơ ung thư da tăng gấp 1.000 lần hoặc hơn so với người bình thường.
Theo BS Hà, khô da sắc tố là một tổn thương da liên quan đến ánh sáng mặt trời, do đột biến gen gây nên. Tổn thương da do ánh nắng mặt trời sẽ biểu hiện ra bên ngoài, bằng mắt thường sẽ nhìn nhận được. Tuy nhiên, cần sinh thiết mô da để xác định tổn thương da thể nào, có thể là dày sừng ánh sáng, có thể là một tổ chức sơ hoặc là khối u ác tính trên bề mặt biểu mô.
BS Vũ Thái Hà cho biết, dựa vào lâm sàng, bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán tương đối. Tuy nhiên, để xác định chính xác, cần tiến hành lấy mô bệnh học để sinh thiết từng phần thượng bì, trung bì và hạ bì. Đây là tiêu chuẩn vàng trong khám, chẩn đoán bệnh về da.
Về điều trị, BS Vũ Thái Hà khẳng định, với vùng cổ của bệnh nhân P.T.T.B vừa có bệnh khô da sắc tố, vừa Ochronosis ngoại sinh, thì vấn đề đặt ra không phải là điều trị, mà là dự phòng bệnh bằng cách chống tác hại khô da sắc tố như thế nào. Có thể chống bằng cách hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, bôi kem chống nắng, tầm soát các khối u ác tính hàng năm.
Không thể chữa khỏi cùng lúc các bệnh về da
Đó là khẳng định của TS.BS Vũ Thái Hà đối với bệnh nhân P.T.T.B với chẩn đoán Ochronosis ngoại sinh và khô da sắc tố vùng cổ, rụng tóc không sẹo và thoái hóa dạng bột (Lichen amyloid) vùng lưng, tay, chân…
BS Hà cho biết, không có thuốc điều trị các bệnh trên, cố gắng nỗ lực điều trị, bệnh chỉ cải thiện nhẹ.
Thứ nhất, đối với bệnh thoái hóa tinh bột, không thể điều trị khỏi bởi thuốc điều trị bệnh thoái hóa tinh bột sẽ làm tăng Ochronosis ngoại sinh. Nghĩa là, điều trị bệnh này, sẽ tăng nguy cơ bệnh kia và ngược lại. Vấn đề này, các cơ sở thẩm mỹ, phòng khám da liễu không dễ dàng nhận biết nếu không thực hiện các bước giải phẫu, sinh thiết da.
"Bệnh thoái hóa tinh bột có thể sử dụng Vitamin A acid bằng đường uống để giảm tình trạng bệnh, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Vitamin A Acid có điểm lợi là trong một số trường hợp có thể dự phòng được ung thư da, ung thư biểu mô da, nên trong trường hợp này cần dự phòng ung thư biểu mô da sắc tố gây nên. Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng phụ nên phải cân bằng giữa tác dụng phụ với tác dụng chính. Song, nếu dừng thuốc, tình trạng bệnh lại tái diễn", BS Hà cho hay.
Thứ hai, đối với bệnh khô da sắc tố, cách điều trị dứt điểm là sửa đổi gen.
TS.BS Vũ Thái Hà khuyến cáo người dân bị vấn đề ở đâu thì tìm bệnh viện giải quyết vấn đề ở đó. Đơn cử bị vấn đề về da, cần đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám, sinh thiết, chẩn đoán đúng bệnh. Bởi bệnh viện công luôn thực hiện tiêu chuẩn vàng trong khám, chẩn đoán bệnh.
Nếu bị thu hút bởi các quảng cáo của những cơ sở tự xưng/tự phong là phòng khám, trước khi đặt niềm tin, người bệnh cần tìm hiểu kỹ thông tin cơ sở, cũng như bác sĩ thực hiện chuyên môn. Nếu không thông thạo các thao tác tìm kiếm thông tin, người bệnh nên đến bệnh viện.
Với những thông tin mà cơ sở thừa nhận về quy trình khám, chữa bệnh sơ sài, động thái của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền cơ sở sẽ như thế nào với Phòng khám YC Việt Nam. Đồng thời, sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở này cung cấp cho khách hàng sử dụng, đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp công bố? Chuyên trang Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc!
Trước đó, như Chuyên trang Gia đình và Xã hội đã thông tin, chị P.T.T.B (42 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã chi 260 triệu đồng (không xuất VAT) cho 'Phòng khám' YC Việt Nam (số 85 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều trị các vấn đề về da.
Trong quá trình điều trị tại phòng khám, chị B được cơ sở này cung cấp thêm các sản phẩm mỹ phẩm điều trị tăng sắc tố da. Mặc dù cơ sở này hứa hẹn và khẳng định bằng văn bản về tình trạng da của chị B sẽ khỏi ít nhất là 80% nhưng gần 6 tháng điều trị với phương pháp vừa bắn máy, vừa dùng mỹ phẩm, tình trạng thâm sạm da trên cơ thể chị P.T.T.B vẫn không cải thiện.
Trong buổi làm việc với phóng viên, đại diện cơ sở YC Việt Nam thừa nhận đã kiểm tra, nhận định tình trạng da các khách hàng bằng mắt thường và chỉ sử dụng thiết bị soi da thông thường để chẩn đoán bệnh, mà không tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm sinh thiết, giải phẫu, chẩn đoán bệnh.
"Với khách hàng B, khi soi da, bác sĩ chẩn đoán bị viêm nang lông và tăng sắc tố da. Tình trạng tăng sắc tố thì với chuyên môn bác sĩ, nhìn bằng mắt thường có thể chẩn đoán. Phòng khám không chẩn đoán từ bên trong cơ thể khách hàng vì căn bản khách chỉ điều trị da", quản lý cơ sở cho hay.
Về các sản phẩm mỹ phẩm, quản lý "phòng khám" này thừa nhận, đây không phải là các sản phẩm trị nám, mà sản phẩm chỉ có công dụng cấp ẩm, làm dịu và phục hồi da sau dùng máy và cơ sở cung cấp cho khách hàng P.T.T.B. Còn "melanin" chỉ là cái tên.